Có hay không việc các "ông lớn" bắt tay đẩy giá bất động sản tăng bất thường?
Như Dân Việt đã nêu ở bài "Điểm mặt" dự án mới của CapitalLand, Masterise, MIK,... có giá rao bán cao "chóng mặt", nhiều chuyên gia nhận định rằng, thủ phạm chính của các "cơn sốt" không chỉ từ giới đầu cơ mà thậm chí còn là chiêu trò của nhiều "ông lớn" bất động sản bắt tay thao túng thị trường.
Vạch "thủ phạm" chính đẩy giá bất động sản
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) chia sẻ: Từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, thấp, công nhân lao động.
Không chỉ những cá nhân môi giới, doanh nghiệp nhỏ bất lương, nhiều chuyên gia còn cho rằng có sự "nhúng tay" của nhiều chủ đầu tư bất động sản lớn dựa vào lý do nguồn cung hạn hẹp để tạo thế độc quyền, đưa ra thị trường những sản phẩm "giá trên trời".
"Các doanh nghiệp lớn đưa sản phẩm ra thị trường cùng bán với mức giá cao, việc đó đã vô hình thiết lập một mặt bằng giá mới", đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho biết.
Điều này cũng được nêu ra trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thanh tra những dự án bất động sản có dấu hiệu tăng bất thường: "Một số chủ đầu tư cũng đã lợi dụng tình hình nguồn cung nhà ở hạn chế để đẩy giá bán lên mức cao. Điều này dẫn đến việc các dự án bất động sản có giá cao hơn so với mức trung bình, làm tăng mặt bằng giá"
Cách nào dẹp yên?
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết: Thị trường bất động sản thời gian qua còn một số bất cập, trong đó, nguồn cung nhà ở giá rẻ không đáp ứng được nhu cầu khiến giá nhà liên tục tăng, có những khu vực, những dự án tăng đến hàng chục phần trăm.
Nhằm giảm giá bất động sản và hạn chế tình trạng đầu cơ, Thứ trưởng Sinh chia sẻ, Bộ Xây dựng thời gian qua đã đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp. Trong đó, triển khai hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực bất động sản. Những đạo luật này đã giúp tạo ra khung pháp lý rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và giao dịch.
Đặc biệt, để thị trường trở nên ổn định, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội là giải pháp quan trọng. Đây cũng là nhiệm vụ trong việc triển khai Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng sẽ đặt trọng tâm trong năm 2025.
Trước đó, để giảm tình trạng đầu cơ và ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ, nghiên cứu đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Cùng với đó, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” nhằm hạn chế tình trạng sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường.
Trên thực tế, đề xuất đánh thuế nhà đất từng được Bộ Tài chính nêu tại dự thảo Luật Thuế nhà, đất 2009, mức 0,03% với nhà trên 500 triệu đồng. Sau hơn 10 năm, nhà chức trách lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế tài sản với 2 phương án về ngưỡng đánh thuế nhà, trên 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng, tương ứng thuế 0,3% hoặc 0,4%. Song, các đề xuất này đều vấp phải phản ứng trái chiều từ dư luận nên đến hiện tại vẫn "nằm trên giấy".
Nêu quan điểm về chính sách này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói, "thiếu quyết tâm chính trị" là nguyên nhân cốt yếu khiến chính sách thuế bất động sản "nằm im".
Ông Võ nhìn nhận việc áp thuế bất động sản gặp thách thức bởi "rơi vào thế giằng co" nhiều năm qua. Theo ông, đối tượng bị đánh thuế là người sở hữu nhiều bất động sản, thường là nhà đầu tư, đầu cơ, chủ đầu tư - vốn là nhóm có quyền lực và nguồn lực tài chính lớn.
Chính vì vậy, ông Võ đề nghị cần phải nhanh chóng quyết đoán thực hiện chính sách này nếu không giá nhà còn tiếp tục tăng gây rất nhiều hệ lụy đến nền kinh tế đất nước và đời sống người dân.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết: Ở nhiều nước, các môi giới phải được cấp bằng cấp để hoạt động trong lĩnh vực này. Trong khi đó, thị trường Việt Nam đang tồn tại vấn đề liên quan đến các cá nhân môi giới bất động sản không bằng cấp và chứng chỉ hợp lệ, với việc họ tự ý đẩy giá lên, làm ảnh hưởng đến giá đất thật sự của thị trường.
Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa có cơ quan xác định để lưu trữ các thông tin thiết thực như các giao dịch trên thị trường. Hiện giá mua bán tuy vẫn được ghi nhận nhưng những con số này không thực sự phản ánh giá giao dịch thực.
Thậm chí, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm, cho rằng cần hình sự hóa các hành vi "thổi giá" bất động sản.
Bởi, những hành vi thổi giá lên cao thu lợi tới hàng nghìn tỷ đồng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường bất động sản, xâm phạm tới lợi ích của người dân.