Cơ hội nào mở ra cho bất động sản công nghiệp 2025 nếu bùng nổ chiến tranh thương mại?

"Rộng cửa" cơ hội, bất động sản công nghiệp hứa hẹn trở thành điểm sáng

Trong báo cáo thị trường mới công bố của Công ty tư vấn bất động sản JBL, khi căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ - Trung Quốc leo thang, nhiều doanh nghiệp đã dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Điều này thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp, khi nhu cầu thuê đất, nhà xưởng gia tăng đáng kể.

Theo số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường giá thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam đã tăng từ 15 - 20% trong giai đoạn 2019 - 2023, đặc biệt tại các khu vực gần cảng biển, sân bay và trung tâm logistics. Việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã giúp các khu công nghiệp như Bình Dương, Long An, Bắc Ninh, Hải Phòng hưởng lợi rõ rệt.

Đồng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ: Nhiều nhà sản xuất sẽ tìm cách rời khỏi Trung Quốc nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, theo chiến lược “Trung Quốc +1”. Chiến tranh thương mại nếu xảy ra sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn đến và thành lập nhà máy mới tại Việt Nam.

Nhu cầu không ngừng mở rộng sản xuất tại Việt Nam của các công ty đa quốc gia để tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính là lực đẩy chính để dẫn dắt lĩnh vực bất động sản công nghiệp năm 2025.

Bất động sản công nghiệp là điểm đón "đầu tư"

Trong cập nhật về kinh tế thế giới tháng 1/2025, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay và 2026 thuộc nhóm cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. WB dự đoán tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 6,6%, cao hơn so với mức 6,5% được WB dự báo vào tháng 10/2024.

Về phần Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức này từng dự đoán Việt Nam sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là đại diện Đông Nam Á duy nhất trong top 10 các nền kinh tế mới nổi toàn cầu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với dự báo tăng trưởng từ mức 6,4% trong giai đoạn 2024 - 2029.

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục là điểm đến ưa thích của các công ty Nhật Bản. Kết quả từ một khảo sát của JETRO (Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản), hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2025 vì họ coi Việt Nam là nơi đầu tư phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Năm 2024, vốn FDI đăng ký vào kinh doanh bất động sản đạt hơn 6,3 tỷ USD (tăng 35% so với năm 2023). Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh trong các Khu công nghiệp tỉnh ghi nhận đạt hơn 4,1 tỷ USD, đạt 342% so với kế hoạch. Trong đó, vốn FDI đạt hơn 3,6 tỷ USD và vốn trong nước khoảng 417,4 triệu USD.

Dòng vốn nào phần lớn đổ vào bất động sản công nghiệp nên tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu cho phân khúc này.

Về triển vọng năm 2025, ông David Jackson, Tổng Giám đốc công ty dịch vụ bất động sản Avison Young Việt Nam, nêu 3 động lực chính cho bất động sản công nghiệp bao gồm: Dòng vốn FDI ngày càng mạnh mẽ; môi trường pháp lý tại Việt Nam đã đồng bộ hơn; và nhu cầu cao đối với các loại hình đất công nghiệp cho thuê, nhà kho, nhà xưởng xây sẵn và các cơ sở công nghiệp công nghệ cao.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, FDI mở ra cơ hội cho bất động sản công nghiệp thì đây cũng chính là cánh cửa mở ra vô vàn thách thức.

Nếu căng thẳng thương mại bùng nổ, vốn FDI đứng trước 2 ngã rẽ tăng và giảm. Trường hợp dòng vốn FDI giảm sẽ đặc biệt khiến phân khúc bất động sản công nghiệp có nguy cơ đi lùi.

Vốn FDI: Gia tăng hay suy giảm?

Cũng theo ông Hiếu, chiến tranh thương mại nếu xảy ra sẽ tạo nên một làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư, và Việt Nam đang là một trong những điểm sáng trong khu vực. Theo các báo cáo gần đây, dòng vốn FDI vào bất động sản công nghiệp Việt Nam đã tăng mạnh đặc biệt từ các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề nghị Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nếu không, dòng vốn có thể chuyển hướng sang các quốc gia khác như Indonesia hay Thái Lan, nơi cũng đang tích cực thu hút nhà đầu tư quốc tế.