'Cố kiềm chế nhưng lãi suất vẫn sẽ bò, trườn tăng lên'
Lãi suất huy động và cho vay cùng tăng?
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, 6 tháng đầu năm, tiền gửi ngân hàng tăng chậm với lãi suất huy động tiếp tục giảm, các kênh đầu tư khác như vàng và chứng khoán trở nên "hot" hơn. Trong khi đó, lãi suất cho vay chỉ giảm nhẹ.
Trong nửa cuối năm, các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn, các ngân hàng sẽ mạnh tay cho vay hơn. Với kịch bản này, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất để tăng huy động và tăng cho vay. Lãi suất huy động tăng có khả năng kéo theo lãi suất cho vay . Dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.
"Trên thực tế với lãi suất huy động, gần đây một vài ngân hàng đã rục rịch tăng, còn lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp", ông Hiếu nói.
Từ nay đến cuối năm, bên cạnh yếu tố tăng lãi suất huy động, nợ xấu đang tăng cũng là nguyên nhân được ông Hiếu chỉ ra có thể tác động làm tăng lãi suất cho vay . Nợ xấu tăng lên cao, nguồn vốn mà ngân hàng cho vay ra không trở lại với ngân hàng nên phải huy động vốn mới. Các yếu tố kết hợp buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay lên.
"Tôi mong các ngân hàng làm sao có thể kiềm chế lãi suất cho vay ở mức như hiện tại, nhưng không có gì đảm bảo. Từ nay đến cuối năm, dự báo lãi suất huy động có thể tăng từ 0,5 - 1%. Lãi suất cho vay sẽ tăng nhẹ hơn lãi suất huy động", ông Hiếu nói.
Chưa xuất hiện yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất
Đồng tình với quan điểm khả năng cao nửa cuối năm lãi suất cho vay sẽ tăng của ông Hiếu, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa bày tỏ: "Tôi cũng lo lãi suất có xu hướng tăng. Dù Chính phủ muốn giảm lãi suất xuống, nhưng không xuống nổi. Cho dù tìm các cách để kiềm chế lãi suất thì lãi suất vẫn bò, trường dần dần tăng trở lại. Hiện nay chưa có yếu tố nào hỗ trợ việc giảm lãi suất như chúng ta mong muốn".
Chia sẻ tại buổi họp báo quý 2 mới đây của Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu ngành ngân hàng đang có xu hướng tăng.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 5%, còn tính chung các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), nợ tiềm ẩn… vào khoảng 6,9%. Nhấn mạnh các tổ chức tín dụng có trách nhiệm thu hồi nợ, song theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp vay nợ cũng có trách nhiệm trả nợ.
Theo ông Tú, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay .
Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Tính đếnngày 28.6, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…