Cổ phiếu NVL của Novaland tiếp tục thủng mốc 9.000 đồng, "thổi bay" hơn 2.500 tỷ đồng vốn hoá

Phiên giao dịch ngày 14/1, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh, mất 5,69%, còn 8.950 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết trên HoSE vào cuối năm 2016. Vốn hóa thị trường của Tập đoàn Novaland theo đó cũng chỉ còn hơn 17.400 tỷ đồng, "thổi bay" 2.500 tỷ đồng vốn hoá kể từ đầu năm nay.

Chỉ sau 4 ngày liên tục nhuộm đỏ, mã cổ phiếu NVL đã bốc hơi tới 16%. Còn tính từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu NVL đã giảm gần 43%. Nếu so với kỷ lục 92.366 đồng từng thiết lập vào cuối tháng 6/2021, thị giá đã bốc hơi khoảng 91%.

Thanh khoản tăng đột biến với 16,25 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tăng 4,6 triệu đơn vị so với phiên hôm qua.

Đi kèm với việc thị giá giảm sâu là việc giá trị tài sản của của Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn và nhóm cổ đông liên quan cũng "bốc hơi" hàng trăm tỷ đồng.

Hiện ông Bùi Thành Nhơn đang trực tiếp nắm giữ hơn 96,8 triệu cổ phiếu NVL. Ngoài ra, Chủ tịch của Novaland còn sở hữu gần 512,5 triệu cổ phiếu Novaland thông qua hai công ty riêng là Novagroup và Diamond Properties. Như vậy, khối tài sản hiện vị doanh nhân này sở hữu rơi vào khoảng 5.400 tỷ đồng.

Quay lại phiên ngày 14/1, sắc đỏ cũng chiếm thế tại nhóm bất động sản khi ghi nhận 54 mã giảm giá, 20 mã tăng giá và 52 mã đứng giá. Đơn cử như VPI, DIG, SZC, KDH, DXG, PDR, TCH,... có 2/3 mã họ nhà Vin cũng ghi nhận giảm là VRE giảm 3,59% và VIC giảm 0,25%. Thậm chí, mã VRE còn kéo giảm 0,32 điểm vào chỉ số chung.

Trong ngành chỉ còn một số ít mã ghi nhận tăng điểm như SJS, KBC, AGG, BCM, CEO...

Sau phiên giao dịch tăng điểm hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam lại đánh mất động lực hồi phục trong ngày 14/1. Dù mở cửa trong sắc xanh, VN-Index lại không thể trụ vững và rơi ngay xuống dưới tham chiếu.

Nguồn cung không quá lớn nhưng việc dòng tiền “bắt đáy” ngại ngần giải ngân khiến VN-Index cứ thế trôi dần khỏi tham chiếu. Trước khi thu hẹp mức thiệt hại ở phiên ATC, chỉ số từng giảm hơn 10 điểm và chạm mốc 1.225 điểm vào cuối phiên.

Kết phiên, VN-Index giảm 6,58 điểm (-0,53%) xuống 1.229,07 điểm; HNX-Index giảm 1,35 điểm (-0,61%) xuống 218,27 điểm; UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,11%) xuống 92,12 điểm.

Tình trạng cung - cầu cùng cạn kiệt khiến thanh khoản trên cả 3 sàn giảm mạnh xuống còn gần 9.400 tỷ đồng.

Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng đóng góp 20 mã giảm, 3 mã đứng giá và 7 mã tăng. Chỉ số đại diện rổ suy yếu và đi lùi xuống mốc 1.289 điểm.