Cơn khát bất động sản xanh tại Việt Nam

Một khu nhà ở xã hội tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa được Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng thế giới trao chứng chỉ xanh EDGE. Theo chủ đầu tư, dự án này tiết kiệm khoảng 25% năng lượng; 36% nước và gần 32% năng lượng hàm chứa trong vật liệu. Việc thiết kế cảnh quan theo hướng xanh cũng góp phần giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị vào môi trường xung quanh.

Dù là nhà ở phân khúc xã hội, đây là một trong số ít những dự án vượt qua những vòng kiểm định gắt gao để được cấp chứng chỉ. Nhu cầu của khách hàng về bất động sản xanh với các tiêu chí như gần gũi thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng khiến các chủ đầu tư ngày càng chú trọng phát triển dự án xanh, thân thiện môi trường. 

Số lượng công trình xanh ở Việt Nam không nhiều trong khi đòi hỏi của khách hàng và thách thức biến đổi khí hậu khiến nhu cầu ngày càng gia tăng.

Số lượng công trình xanh ở Việt Nam không nhiều trong khi đòi hỏi của khách hàng và thách thức biến đổi khí hậu khiến nhu cầu ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Việt Nam có 87 công trình đạt chứng nhận xanh, trong đó có 13 công trình đạt chứng chỉ EDGE (Tổ chức Tài chính quốc tế, thuộc nhóm Ngân hàng thế giới), 53 dự án đạt chứng chỉ LEED (Hội đồng công trình xanh Mỹ), 21 công trình nhận chứng chỉ LOTUS (Hội đồng công trình xanh Việt Nam). Còn theo báo cáo thị trường của CBRE Việt Nam, tính đến tháng 12/2018, Việt Nam mới chỉ có 104 dự án được chứng nhận xanh, con số còn rất khiêm tốn so với sự tăng trưởng thị trường xây dựng. Tỷ lệ vài phần trăm số lượng công trình đạt chứng chỉ xanh kém xa Singapore, nơi tỷ lệ này đạt tới 37%.

Một trong những nguyên nhân khiến số lượng công trình xanh ở mức thấp do chi phí đầu tư cao và những đòi hỏi nghiêm ngặt. Để đạt chứng chỉ xanh LEED, LOTUS hay EDGE, các chủ đầu tư sẽ phải chứng minh công trình của mình có tiềm năng giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước ở mức cho phép. Đơn cử, chứng chỉ EDGE về các tiêu chí tiêu hao năng lượng của dự án phải đạt ít nhất là 20% so với một công trình điển hình theo tiêu chuẩn của Tổ chức tài chính quốc tế IFC.

Tại các nước như Pháp, Đức, Australia, các tiêu chí về công trình xanh cũng có thêm nhiều yêu cầu như sử dụng tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà, phủ xanh mái các tòa nhà công nghiệp. Ở Đông Nam Á, Singapore cũng đi đầu với những công trình xanh bằng cách phủ khoảng trống trong tòa nhà bằng vườn cây và công viên.

Nội khu Celadon City ngập tràn không gian xanh - điều hiếm thấy ở các khu đô thị cao cấp hiện nay

Nội khu dự án Celadon City ngập tràn không gian xanh.

Thị trường tiềm năng cho bất động sản xanh

Giới chuyên gia cho rằng, phát triển bất động sản xanh, thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu trong thời gian tới trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Bên cạnh đó, yêu cầu ngày càng cao và mức độ chịu chi cho không gian sống an toàn, thoải mái và thông minh hơn của khách hàng cũng thúc đẩy thị trường này phát triển.

Báo cáo và khảo sát World Green Building Trends 2018 của Dodge Data & Analytics cũng đưa ra những nhận định khả quan về tình hình phát triển công trình xanh ở Việt Nam. Các dự án công trình xanh hiện chỉ chiếm 13% nhưng dự báo sẽ tăng gấp đôi với 24% vào năm 2021. 

Theo báo cáo này, Việt Nam có tỷ lệ phát triển công trình xanh chung cư vào năm 2021 cao nhất thế giới, chiếm đến 61%, so với mức trung bình thế giới là 30% và Singapore là 25%. Sự quan tâm đến công trình lành mạnh cải thiện sức khỏe (Healthier Buildings) của Việt Nam chiếm đến 28%, cao hơn mức trung bình toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ.

Thời gian qua, hàng loạt chủ đầu tư lớn như Gamuda Land, Capital House, Phúc Khang, Nam Long, Flamingo Group, Novaland... cũng theo đuổi các công trình xanh. Tiêu biểu, Gamuda Land - nhà phát triển bất động sản đến từ Malaysia đã cải tạo và kiến tạo đô thị xanh trên tiêu chí bảo vệ môi trường với các biện pháp quy hoạch và vận hành đô thị thông minh, nổi bật nhất ở hai dự án lớn là Gamuda City và Celadon City. 

Điểm nổi bật trong quy hoạch tổng thể của Gamuda Land là xây dựng không gian sống trước khi hình thành nên cao ốc. Doanh nghiệp này cũng cải tiến trong quản lý và bảo tồn môi trường qua việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến và phát triển đa dạng sinh học.

Với Gamuda City, Gamuda Land đã biến vùng đất chiêm chũng thành một trong những khu đô thị sinh thái lớn nhất Hà Nội. Tại Celadon City tại quận Tân Phú, TP HCM, dự án có 6.000 cây trưởng thành, 70.000 bụi cây, 140.000m2 dành cho thảm cỏ. Tính trung bình, diện tích cây dành cho mỗi cư dân là 12,4m2.

Gamuda Land góp phần cải tạo khu vực Yên Sở trở thành bộ mặt của phía nam thủ đô Hà Nội

Gamuda Land góp phần cải tạo khu vực Yên Sở trở thành bộ mặt của phía nam Thủ đô Hà Nội.

Chủ đầu tư cũng áp dụng phương pháp trồng cây tiên tiến. Cây xanh được sử dụng cho công viên nội khu được trồng tại vườn ươm gần đó và được chuyển vào công viên khi dự án gần hoàn thành. Chủ đầu tư còn sử dụng bảng nhiên liệu mặt trời hay xây dựng nhà máy xử lý nước thải chuyên biệt.

Giải pháp phát triển công trình xanh

Dù số lượng công trình xanh ở Việt Nam đã tăng lên những năm gần đây, nhưng so với các nước trong khu vực, tỷ lệ này còn quá khiêm tốn. Theo báo cáo World Green Building Trends, việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam còn nhiều rào cản như thiếu nhân sự công trình xanh, hỗ trợ từ Chính phủ còn hạn chế, thiếu nhận thức cộng đồng và chi phí ban đầu cao.

Phát biểu tại hội thảo "Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: chi phí và lợi ích" diễn ra ngày 26/7 tại Hà Nội, ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh của IFC cho rằng, nếu định hướng sớm ngay từ giai đoạn ý tưởng kèm khai thác tốt các yếu tố thụ động trong kiến trúc, công trình hoàn toàn có tiềm năng đạt hiệu quả cao về năng lượng, nước và vật liệu xây dựng. Các công trình có thể đạt chứng nhận công trình xanh EDGE mà không làm gia tăng chi phí hoặc chỉ tăng ở mức 1-2%.

Ờ góc nhìn của chủ đầu tư, đại diện Gamuda Land cho biết việc thiếu nhân sự công trình xanh là một rào cản lớn bởi không nhiều nhà thầu tại Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn trong xây dựng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, chưa nhiều dự án được đánh giá bởi các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế.

Cụ thể, các dự án của Gamuda Land tại Việt Nam đều được đánh giá qua Tiêu chuẩn GQUAS được phát triển bởi Cục Xây dựng và Công trình Singapore. Ngoài ra, các công trình cơ sở hạ tầng và dự án khu đô thị đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tối thiểu của Malaysia và Singapore như hệ thống đo lường Malaysian Civil Engineering Standard Method of Measurement (MyCESMM); chứng nhận ISO và OHSAS; hệ thống đánh giá chất lượng QLASSIC...

Tâm Anh