Công khai người bỏ cọc đấu giá đất: Liệu có khả thi?
Bộ TN-MT đề xuất công khai người bỏ cọc đấu giá đất để tránh gây nhiễu loạn thị trường
Tại hội nghị trực tuyến với 63 địa phương về triển khai Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chiều 8/10 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho biết, việc đấu giá quyền sử dụng đất, lập và công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa bài bản, minh bạch. Việc này tạo điều kiện để các đối tượng đầu cơ đất đai.
"Một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh. Thậm chí sau khi đấu giá một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc gây dư luận không tốt tại một số địa phương", ông Ngân nói.
Công khai người bỏ cọc đấu giá đất - giải pháp này liệu khả thi?
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, việc công khai danh tính người bỏ cọc đấu giá đất sẽ rất có hiệu quả trong việc dẹp đi hành vi xấu và sẽ răn đe kỷ luật.
Luật sư Phạm Anh Tuấn, thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội lại cho rằng: Việc công khai danh sách người bỏ cọc đấu giá đất chỉ mang tính chất công bố chứ về mặt pháp lý thì không có giá trị nhiều.
Dù vậy, cả GS Võ và luật sư Tuấn đều cho rằng công khai danh tính này không phải là hành vi trái pháp luật và cũng không sợ phạm phải luật bảo vệ thông tin người tham gia đấu giá. Việc bỏ cọc xảy ra khi phiên đấu giá đất đã kết thúc, công khai danh tính người bỏ cọc chỉ đơn thuần là công khai danh sách kết quả phiên đấu giá đó.
Trao đổi với Dân Việt, chị Quỳnh (38 tuổi, sống ở huyện Hoài Đức, Hà Nội), gia đình chị có 2 người con trai, nay 1 người con trai đã đến tuổi lập gia đình nên chị muốn mua 1 mảnh đất để dành cho con. Chị đã tham gia phiên đấu giá lịch sử 19 tiếng ngày 20/8 vừa qua với suy nghĩ sẽ mua được mảnh đất. Nhưng khi kết thúc, chị đi về với 2 bàn tay trắng và không trúng đấu giá một lô nào vì giá quá cao.
Ở góc độ là người dân có nhu cầu sử dụng đất thật, chị Quỳnh cho rằng, việc công khai danh tính những người bỏ cọc đấu giá đất là chưa đủ sức nặng để những người có nhu cầu mua đất thật tránh khỏi đám người đầu cơ, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Giống như nhiều người dân có nhu cầu sử dụng đất thật khác nhưng không tiếp cận được, chị Quỳnh mong mỏi các cơ quan chính quyền xử lý mạnh tay hơn nạn đầu cơ thổi giá, để các phiên đấu giá đất được thực hiện nghiêm túc.
Chuyên gia "bật mí" cách ngăn chặn bỏ cọc đấu giá đất hiệu quả
Theo Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm cho rằng: Thay vì tập trung vào biện pháp hành chính như công khai danh tính hay phạt tiền, cần áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn để ngăn chặn hành vi bỏ cọc.
Mức xử phạt hành chính hiện nay chỉ từ 7 đến 10 triệu đồng theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP, quá thấp so với lợi ích kinh tế mà người vi phạm có thể đạt được từ việc đầu cơ giá đất. Các biện pháp kinh tế có thể áp dụng như: Tăng ký quỹ, bồi thường thiệt hại và thay đổi khung pháp lý để quyết liệt ngăn chặn hành vi gây nhiễu loạn đấu giá đất.
Bên cạnh đó, TS Trần Xuân Lượng, Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cũng đề xuất giải pháp khác như: Thành lập hội đồng giám sát đấu giá đất. Hội đồng này sẽ gồm những thành viên độc lập như những chuyên gia, hiệp hội ngành nghề hoặc các nhà khoa học, các tổ chức cơ quan nhà nước đại diện để tránh kịch bản thổi giá đất, đưa giá đất về đúng thực tế của nó.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bêu tên chỉ là giải pháp tạm thời. Còn về lâu dài, cơ quan chức năng cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất các quy định pháp luật chặt chẽ hơn, chế tài mạnh hơn mới mong dẹp được đầu cơ thổi giá đất.