Cú hích kéo các siêu dự án nghỉ dưỡng đổ bộ về Phan Thiết

Mới đây, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né. Theo Quy hoạch, Mũi Né sẽ trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2030.

Khu du lịch Quốc gia Mũi Nénằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong đến hết ranh giới phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với diện tích gần 15.000 hecta. Trong đó, diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch là khoảng 1.000 hecta.

Quan điểm được đưa ra là phát triển khu du lịch Quốc gia Mũi Né theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, đặc biệt hình thành 4 phân khu du lịch chính từ vùng ven biển Hòa Thắng, Tuy Phong trở vào. Trong đó, định hướng khai thác giá trị các cảnh quan với bảo vệ môi trường, liên kết tổ chức hoạt động quảng bá chung tam giác du lịch Bình Thuận - Lâm Đồng- TP HCM với chuỗi sản phẩm biển Phan Thiết - hoa Lâm Đồng- chợ Sài Gòn được chú trọng.

Với mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, sân bay Phan Thiết sẽ là một trong 3 sân bay lớn nhất miền Trung.

Để đáp ứng chiến lược này, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng Phan Thiết. Trong đó, trước mắt Thủ tướng đồng ý điều chỉnh quy mô của sân bay Phan Thiết từ hơn 5.600 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng biến sân bay này thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Phan Thiết được điều chỉnh quy hoạch sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E để phù hợp với quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc.

Mục tiêu nâng cấp sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác các chặng bay Nội Bài - Phan Thiết, Vân Đồn - Phan Thiết, Cát Bi - Phan Thiết, với các máy bay code E, trong giai đoạn đến năm 2030, cũng như khai thác các loại máy bay quân sự hiện đại nhất hiện nay. Nhà ga hành khách sân bay Phan Thiết được mở rộng từ 5.000 m2 lên 19.200 m2 đạt công suất thiết kế 2 triệu hành khách một năm.

Với quy hoạch điều chỉnh, sân bay Phan Thiết sẽ được chia làm 3 khu gồm: khu bay dùng chung cho cả mục đích dân dụng và quân sự; khu phục vụ hàng không dân dụng gồm sân đỗ máy bay hàng không dân dụng, và công trình hàng không dân dụng nằm độc lập; khu quân sự dành riêng đỗ máy bay quân sự, hạ tầng kỹ thuật quân sự.

Tổng vốn đầu tư sân bay Phan Thiết giai đoạn từ nay đến 2020 khoảng 10.272 tỷ đồng, và giai đoạn định hướng đến 2030 khoảng 332,5 tỷ đồng.

Có sân bay Phan Thiết, khách du lịch từ TP HCM chỉ mất khoảng 30 phút thay vì phải chạy 3-4 tiếng qua cao tốc dịp cuối tuần. Công trình này được địa phương kỳ vọng sẽ giúp thành phố này thu hút nhiều hơn du khách phía Bắc.

Với công trình này, các chuyên gia dự đoán Phan Thiết - Mũi Né sẽ như hổ mọc thêm cánh, cùng với Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á.

Hàng loạt các siêu dự án đổ bộ

Hấp lực từ sân bay và quy hoạch du lịch Mũi Né kéo theo đó là dòng vốn tỷ đôla đổ về địa phương với hàng loạt các siêu dự án nghỉ dưỡng đã và đang hình thành.

Thống kê chưa chính thức, trong năm 2019 sẽ có 18 siêu dự án, với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đôla đổ vào Phan Thiết nổi bật như dự án Dubai gần 1.000 ha với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng của Công ty nông thị Dubai Việt Nam hay dự án có quy mô hơn 200 hecta của tập đoàn TMS. FLC cũng không bỏ lỡ cơ hội khi có ý định đầu tư vào một dự án hơn 1.000 hecta. Hưng Lộc Phát từ trước đến nay nổi danh tại thị trường TP HCM cũng chuẩn bị mở bán dự án có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, 4 dự án lớn với tổng vốn lên đến 385 triệu đôla Mỹ dự kiến sẽ đổ bộ thị trường Phan Thiết, Bình Thuận thời gian tới như: khu du lịch thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né quy mô 200 hecta, vốn đầu tư 200 triệu đôla Mỹ; dự án khu du lịch cao cấp Hòn Rơm - Mũi Né diện tích gần 86 hecta quy mô vốn 92 triệu đôla Mỹ; dự án khu du lịch Hàm Thuận Đa Mi rộng 330 hecta với 42 triệu đôla Mỹ và dự án khu du lịch suối nước nóng Bưng Thị vốn khoảng 50 triệu đôla Mỹ trên diện tích 310 hecta.

Căn biệt thự 5 sao tại dự án Goldsand Hill Villa có giá từ 4 tỷ đồng.

Đáng kể trong các ông lớn hiện hữu tại đây có Công ty CP Lộc Tú. Mới đây, Lộc Tú và Công ty CP tập đoàn VNGroup giới thiệu ra thị trường dự án Goldsand Hill Villa có quy mô hơn 9ha tại Mũi Né. Sự kiện ghi nhận sự có mặt phần lớn nhà đầu tư đến từ Vũng Tàu, Hà Nội và TP HCM. Nhiều nhà đầu tư mua một lúc 2-3 sản phẩm biệt thự biển với mục đích nghỉ dưỡng và đầu tư vận hành cho thuê, đại diện Lộc Tú nói.

Mức đầu tư ban đầu khoảng từ 2 tỷ đồng tại Goldsand Hill Villa được xem là mức giá cạnh tranh trên thị trường tại một dự án có nhiều lợi thế về view ngắm hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam.

Theo tính toán của chủ đầu tư, tổng giá trị của mỗi căn biệt thự biển Goldsand Hill Villa trước thuế ở mức từ 4 tỷ đồng khi hoàn thiện. Trong khi cùng với mức giá này, khách hàng chỉ có thể đầu tư một căn condotel cao cấp tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc.

Tiến sĩ Trần Nguyễn Minh Hải, chuyên gia địa ốc của trường Đại học Ngân hàng cho biết điều kiện tự nhiên của Phan Thiết không thua kém các địa điểm như Phú Quốc, Nha Trang hay Đà Nẵng. Thậm chí dải đất dài ven biển này còn sở hữu lợi thế quanh năm nắng gió, ít khi có bão, không có mùa mưa. Phan Thiết - Mũi Né được xem là khu vực đầu tư địa ốc mới nổi nhờ tiềm năng du lịch.

Vị này cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng của Phan Thiết đang có mức giá thuận lợi so với các thị trường khác do địa phương này bắt đầu dành ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Mức giá sẽ tăng trong thời gian tới khi hạ tầng hoàn thiện và có thể đạt đỉnh vào năm 2020 khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, vị này nhận định.

Thanh Thư