Cuối năm nay, người dân TP.HCM được đi metro

Tự tin chất lượng, bám sát tiến độ

Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM về tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm tại phiên họp thường kỳ về kinh tế - xã hội tháng 7 cho thấy các dự án trên địa bàn TP đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào hoạt động. Trong đó, tiến độ tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên tiếp tục là nội dung nhận được nhiều chú ý bởi đang chạy những bước cuối cùng tiến sát vạch đích, nhưng vẫn phải đối mặt nhiều chông gai.

Cuối năm nay, người dân TP.HCM được đi metro - Ảnh 1

Tàu metro số 1 đã qua nhiều lần chạy thử, người dân trông chờ tới ngày tuyến tàu chính thức đưa vào khai thác

Nguyễn Anh - Nhật Thịnh

Cụ thể, dự án hiện đã hoàn thành hơn 98% khối lượng. Dự kiến, trong tháng 8 này, chủ đầu tư sẽ hoàn thành 5 bãi giữ xe, tới tháng 9 hoàn thành 9 cầu bộ hành, và toàn bộ tuyến metro số 1 sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2024.

Về các đầu mục công việc chi tiết, chủ đầu tư (Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - MAUR) đang tập trung hết sức hoàn thành công tác thử nghiệm tích hợp vận hành (ITC) bởi nhà thầu Hitachi. Điều này mang ý nghĩa rất lớn về mặt kỹ thuật, bởi khi công tác này hoàn thành đồng nghĩa dự án đã sẵn sàng đưa vào vận hành. Đặc biệt, phần việc quan trọng nhất hiện nay là đàm phán với các nhà thầu để thống nhất phương án giải quyết những vướng mắc trực tiếp liên quan đến hợp đồng, chủ yếu là cơ chế giải quyết chi phí phát sinh.

Lãnh đạo MAUR cho biết nhờ sự sát sao hỗ trợ từ phía UBND TP.HCM, Đại sứ quán Nhật Bản tại VN cùng thiện chí giữa chủ đầu tư và các nhà thầu, rất nhiều vướng mắc đã tìm được tiếng nói chung. Dự kiến, đến tháng 11, nhà thầu Hitachi sẽ hoàn thành vận hành khai thác thử. Phía MAUR đang đồng thời chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ để rút ngắn nhất có thể thời gian thực hiện công tác thẩm định của cơ quan quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất để toàn bộ quá trình chỉ gói gọn trong khoảng 1 tháng. Hiện đơn vị tư vấn đã thực hiện 12/12 báo cáo hợp đồng.

Qua làm việc trực tiếp với chủ đầu tư và ngoài công trường, đơn vị tư vấn cho biết rất yên tâm về chất lượng dự án và rất tự tin khi triển khai công tác đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống trên tuyến metro số 1.

"Đây thật sự là tiến độ rất tích cực, tiền đề để đưa dự án về đích suôn sẻ. Ngoài ra, còn một số công việc liên quan thủ tục hoàn thành công trình theo quy định như nghiệm thu công tác PCCC, nghiệm thu, hoàn công… dự kiến cũng hoàn thành trong quý 3 và quý 4. Tuyến metro số 1 vẫn đang đảm bảo tiến độ hoàn thành và đưa vào vận hành cuối năm nay", phía chủ đầu tư chia sẻ.

Theo tính toán, tuyến metro số 1 hoàn thành mới chỉ giải quyết được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân từ phía đông (khu vực TP.Thủ Đức) về phía trung tâm TP. Sau khi tuyến số 2 và các tuyến tiếp theo hoàn thành thì tác động sẽ tăng lên rất nhiều. Mạng lưới metro hoàn thiện theo quy hoạch, kết hợp cùng hệ thống xe buýt, đường sắt trên cao... có thể đáp ứng 30 - 40% nhu cầu đi lại của người dân TP.

Tăng tốc phủ mạng lưới metro

Nhìn lại lịch sử 18 năm từ ngày bắt đầu lập dự án vào năm 2006, có lẽ ít dự án nào của VN lại gặp trắc trở nhiều như tuyến metro số 1. Vì vậy, mỗi một bước tiến mới đều mang đến niềm vui rất lớn cho người dân và những chuyên gia đã theo sát từng bước đi của dự án ngay từ những ngày đầu.

Cuối năm nay, người dân TP.HCM được đi metro - Ảnh 2

Tàu metro số 1 đã qua nhiều lần chạy thử, người dân trông chờ tới ngày tuyến tàu chính thức đưa vào khai thác

Nguyễn Anh - Nhật Thịnh

Đặc biệt, với các lãnh đạo TP.HCM, đây được coi là "công trình thế kỷ", đánh dấu mốc quan trọng cho bước tiến phát triển của đầu tàu kinh tế khu vực phía nam.

Ngày 1.8, lãnh đạo UBND TP.HCM đã có buổi kiểm tra công trường thi công và làm việc về các vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị vận hành tuyến metro số 1. Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc, đề nghị các sở, ngành chuyên môn tích cực hỗ trợ, phối hợp với MAUR trong việc giải quyết các tồn đọng khó khăn còn lại. Đồng thời, đề nghị MAUR có chỉ đạo tư vấn và các nhà thầu cam kết đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án tuyến metro số 1 theo kế hoạch đề ra vào cuối quý 3 năm nay.

Trong khi tuyến metro số 1 đã kéo gần sát vạch đích, dự án tuyến đường sắt metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hiện cũng đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường 584/586 trường hợp, đạt 99,6%. Các nhà thầu đang thi công những hạng mục đầu tiên về di dời - tái lập hệ thống cấp thoát nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông. Việc chuẩn bị một mặt bằng và không gian ngầm thông thoáng được đánh giá sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ khi dự án chính thức thi công các hạng mục nhà ga, tuyến chính vào năm 2025, đảm bảo đưa tuyến metro số 2 vào khai thác năm 2030 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Đề án metro do UBND TP.HCM trình HĐND, chính quyền TP đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến metro với tổng chiều dài 183 km. Trong đó, 2 tuyến metro số 1 (sắp hoàn thành) và số 2 (đang thi công) theo đề án sẽ kéo dài thêm khoảng 30 km so với quy hoạch ban đầu. Cụ thể, tuyến số 1 dài 19,7 km từ chợ Bến Thành (Q.1) đến depot Long Bình (TP.Thủ Đức) sẽ được kéo dài thêm gần 21 km từ Bến Thành về An Hạ (H.Bình Chánh), nâng chiều dài toàn tuyến lên 40,8 km.

Tuyến số 2 dài hơn 11 km từ ga Bến Thành đi depot Tham Lương (Q.12) sẽ được đầu tư thêm 2 đoạn dài 9,1 km là Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - bến xe An Sương, nâng tổng chiều dài toàn tuyến lên 20,2 km.

Cùng với 2 tuyến số 1 và số 2, đến năm 2035, TP sẽ đầu tư hoàn thành 4 tuyến khác với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 837.000 tỉ đồng (tương đương 34,9 tỉ USD), chưa tính vốn đầu tư metro số 1 sắp đưa vào khai thác thương mại.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin: Sau quá trình khẩn trương xây dựng đề án, trình UBND TP để UBND trình HĐND TP, Sở GTVT đã có báo cáo chi tiết về cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý, đặc biệt là sản phẩm đầu ra của đề án. Đó là các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù cùng các nghị định của Chính phủ để triển khai thực hiện đề án… Theo quy hoạch hiện nay, TP có 8 tuyến metro với tổng chiều dài 173 km nhưng trong đề án phát triển metro đến năm 2060 thì số tuyến tăng lên là 12 với tổng chiều dài 510 km.

Sau khi hoàn chỉnh đề án metro , Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành để cùng TP.Hà Nội tổng hợp báo cáo trình Chính phủ, báo cáo và xin ý kiến Bộ Chính trị thì dự kiến đến cuối năm nay sẽ trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách thực hiện. Sau khi có cơ chế, TP sẽ triển khai thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2026 - 2027 để đến đầu năm 2028 sẽ khởi công đồng loạt 6 tuyến metro nói trên. 

Cùng với 2 tuyến số 1 và số 2, đến năm 2035, TP.HCM sẽ đầu tư hoàn thành 4 tuyến khác:

Tuyến số 3 (Hiệp Bình Phước - vòng xoay Dân Chủ - Tân Kiên - An Hạ) dài 29,5 km

Tuyến số 4 (depot Đông Thạnh - Bến Thành - ga Bà Chiêm đường Vành đai 3) dài 36,8 km

Tuyến số 4 (ga Võ Chí Công đường Vành đai 2 - ngã tư Bảy Hiền - depot Đa Phước) dài 32,5 km

Tuyến số 6 (Bà Quẹo - sân bay Tân Sơn Nhất - Bình Triệu - Phú Hữu) dài 22,8 km.