Cuối năm vàng thế giới có thể lên mức 2.500 USD/ounce?
Giá vàng sẽ xác lập kỷ lục mới
Trao đổi với Thanh Niên những ngày gần đây, khi dự báo về xu hướng diễn biến giá vàng , nhiều chuyên gia kinh tế cùng gặp nhau ở quan điểm, từ nay tới cuối năm giá vàng thế giới sẽ theo đà tăng lên, mốc 2.500 USD/ounce không còn xa.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh, dù lượng mua ít hơn năm ngoái, song các ngân hàng T.Ư đang tiếp tục mua vàng . Cạnh đó, tình hình địa chính trị tại Ukraine và khu vực Trung Đông vẫn căng thẳng nên xu hướng giá vàng còn tăng.
Dự kiến, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất vào khoảng tháng 9 và tháng 12. "Thị trường đang chuẩn bị cho thời điểm Fed giảm lãi suất vào tháng 9; chưa giảm lãi suất mà giá vàng đã lên rồi, nếu lãi suất được Fed điều chỉnh giảm, giá vàng còn lên nữa", ông Khánh nhận định.
Phân tích thêm, ông Khánh nói, hiện tại giá vàng đã vượt 2.400 USD/ounce, khả năng cao từ nay đến cuối năm, giá vàng sẽ xác lập những kỷ lục mới, chỉ cần tăng lên 2.450 USD/ounce đã là kỷ lục rồi. "Đương nhiên, giá vàng không tăng theo đường thẳng đứng mà có lúc tăng, lúc giảm, song dù giảm, khó có khả năng giá vàng về dưới 2.300 USD/ounce", ông Khánh lưu ý.
Còn theo chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Trí Hiếu: "Hiện tại, giá vàng thế giới đã vượt mức 2.400 USD/ounce. Mức 2.500 USD/ounce khả năng cao xảy ra trong năm nay và chậm nhất tới giữa năm 2025, giá vàng có thể lên 3.000 USD/ounce".
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng nhấn mạnh: "Do tác động từ Fed và các quốc gia thuộc nhóm G7 cắt giảm lãi suất , cũng như tình hình căng thẳng địa chính trị, giá vàng thế giới đến cuối năm nay có khả năng tăng lên 2.500 USD/ounce".
Gia tăng nhập vàng khi giảm bớt áp lực tỷ giá
Cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, theo ông Phương, đến cuối năm, giá vàng nhẫn 4 số 9 có khả năng tăng lên 79 - 80 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC có khả năng cũng tăng lên 81 - 82 triệu đồng/lượng.
Bình luận về các giải pháp bình ổn thị trường vàng thời gian qua, đặc biệt là việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), ông Khánh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã đạt được mục tiêu đầu tiên là đưa giá vàng miếng SJC xuống tiệm cận giá vàng thế giới. Tuy nhiên, lượng vàng SJC bán ra chưa cân đối được cung cầu thị trường.
"Nếu muốn đưa lượng lớn vàng SJC ra thị trường thì phải nhập vàng nguyên liệu để chế tác thêm vàng SJC. Tuy nhiên, nếu dùng dự trữ ngoại tệ để nhập vàng có thể gây ảnh hưởng cán cân dự trữ ngoại hối. Hiệp hội kiến nghị, khi bài toán tỷ giá ổn hơn, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để dập thêm vàng SJC", ông Khánh nói.
Nhắc tới câu chuyện nhập vàng , chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích: việc nhập khẩu vàng chính ngạch sẽ giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn cung, nhưng Ngân hàng Nhà nước phải chi hơn 3 - 4 tỉ USD cho mục đích này.
Việc dùng ngoại hối dự trữ nhà nước để nhập khẩu vàng là không hợp lý, bởi vàng không phải là hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế. Hơn nữa, nhập khẩu vàng về bán cho dân, số lượng vàng này sẽ nằm bất động trong dân, khó có thể chuyển hóa thành nguồn lực tài chính để phục vụ đầu tư sản xuất phát triển kinh tế.
"Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần nhiều nguồn lực để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Do vậy, chúng ta coi đây chỉ là giải pháp tình thế cấp bách trong ngắn hạn, không phải là giải pháp căn cơ để ổn định thị trường vàng trong lâu dài", ông Long nhấn mạnh.
Vị này cũng chỉ ra, thực tế đang tồn tại một mâu thuẫn khác là dù không cho nhập khẩu vàng chính ngạch, Nhà nước cũng không thể chặn hoàn toàn vàng lậu qua đường tiểu ngạch. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng cao, tình trạng vàng lậu càng phức tạp và một lượng ngoại tệ nhất định vẫn "chảy" qua biên giới, tác động lên tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do.
"Ngân hàng Nhà nước chỉ nhập khẩu một lượng vàng đủ để ổn định thị trường khi cán cân thanh toán thặng dư tương đối tốt và áp lực tỷ giá được giảm bớt", ông Long nêu quan điểm.
Về lâu dài, nhiều chuyên gia tái khẳng định cần khẩn trương sửa đổi Nghị định số 24/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để loại bỏ những bất cập hiện nay. Nghị định sửa đổi lần này cần đề cập toàn diện hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức.
Nhấn mạnh yêu cầu phải làm sao tạo ra sự bình ổn đúng nghĩa cho thị trường vàng , ông Hiếu nói: "Cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định số 24/2024/NĐ-CP để bỏ độc quyền vàng miếng SJC và độc quyền nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước, cho phép các đơn vị kinh doanh vàng khác được nhập khẩu vàng ".