Cứu tinh từ Campuchia, châu Phi đổ bộ giúp Việt Nam xưng vương ở ngành hàng này: chi hơn 1 tỷ USD thu mua, nguy cơ 'bùng kèo' vẫn rình rập các doanh nghiệp

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , Việt Nam nhập khẩu 285.863 tấn hạt điều với trị giá hơn 323 triệu USD, tăng 21,8% về lượng và tăng 18,4% về trị giá so với tháng 5/2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm, nước ta nhập khẩu gần 1,5 triệu tấn hạt điều với trị giá hơn 1,8 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.208 USD/tấn, giảm 5% so với 2023.

Cứu tinh từ Campuchia, châu Phi đổ bộ giúp Việt Nam xưng vương ở ngành hàng này: chi hơn 1 tỷ USD thu mua, nguy cơ 'bùng kèo' vẫn rình rập các doanh nghiệp - Ảnh 1

Trong nửa đầu năm, Campuchia liên tục là nhà cung cấp hạt điều lớn nhất của Việt Nam với 750 nghìn tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, tăng mạnh 37% về lượng và tăng 28% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu đạt bình quân 1.284 USD/tấn, giảm 6,2% so với cùng kỳ.

Thị trường nhập khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam là quốc gia châu Phi Bờ Biển Ngà. Trong 6 tháng, nước này cung cấp cho Việt Nam 217 nghìn tấn hạt điều , tương đương hơn 242 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 21% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.117 USD/tấn, giảm 6,5% so với năm 2023.

Đứng thứ 3 là thị trường Ghana với 142 nghìn tấn hạt điều , trị giá 153 triệu USD, tăng 10% về lượng và tăng 2,5% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.075 USD/tấn, giảm 7% so với cùng kỳ.

Trong số 6 thị trường nhập khẩu , Indonesia là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 294% về lượng và tăng 275% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Cứu tinh từ Campuchia, châu Phi đổ bộ giúp Việt Nam xưng vương ở ngành hàng này: chi hơn 1 tỷ USD thu mua, nguy cơ 'bùng kèo' vẫn rình rập các doanh nghiệp - Ảnh 2

Xuất khẩu vài tỷ USD mỗi năm, nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu cũng được phản ánh qua mức chi nhập khẩu ngày một tăng mạnh.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hầu hết các doanh nghiệp chế biến điều chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Nguồn cung hạt điều thô nội địa mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến, 70% nguyên liệu phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu . Do đó Việt Nam vẫn phải tăng cường nhập khẩu điều từ các quốc gia khác như Campuchia , Bờ Biển Ngà, Ghana và Indonesia,…

Các doanh nghiệp trong ngành phản ánh, giá nguyên liệu điều thô nhập về từ các nước châu Phi luôn ở mức cao hơn so với điều nhân xuất đi, dẫn đến doanh nghiệp khó khăn trong việc điều phối và điều chỉnh năng lực sản xuất để có hiệu quả.

Việt Nam là trung tâm chế biến điều nhân nhưng lại không có vùng nguyên liệu ; vùng trồng điều trong nước đang ngày càng thu hẹp và sản lượng giảm, các nhà máy phải cạnh tranh mua điều thô từ châu Phi, giá xuất khẩu có thời điểm thấp hơn giá nhập khẩu .

Mới đây, một số doanh nghiệp  chế biến điều tại Việt Nam đã “đồng thanh” kêu cứu khi giá điều thô tăng cao, nhiều nhà cung ứng nguyên liệu từ nước ngoài không thực hiện đúng hợp đồng đã ký trước đó. Các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng .

Theo dự báo của Hội đồng Hạt và Quả khô Quốc tế (INC), sản lượng điều thô khu vực Tây Phi giảm khoảng 7% trong năm nay. Một nhóm các nhà xuất khẩu điều thô của Bờ Biển Ngà đã tận dụng cơ hội này đẩy giá điều thô tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng một tháng, giá điều thô tăng tới 400 USD/tấn, là mức biến động mà chưa từng thấy trong mấy chục năm tham gia ngành điều.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp , các đối tác nước ngoài có nhiều “chiêu” để “hành” các doanh nghiệp trong nước. Có thể kể đến như việc giao hàng nhưng không giao bộ chứng từ để được nhận hàng. Thậm chí, một số nhà xuất khẩu khác thì lẳng lặng “bẻ kèo”, đem điều thô đã ký hợp đồng với doanh nghiệp này, bán cho doanh nghiệp khác với mức giá cao hơn nhiều…

Vinacas cho biết sẽ lập ra danh sách doanh nghiệp điều thô mất uy tín cho vào danh sách “đen” để cảnh báo cho cả ngành. Những doanh nghiệp Tây Phi nào không giao hàng sẽ tiến hành kiện ra tòa án quốc tế, giải quyết tranh chấp, để cơ quan chức năng có biện pháp cưỡng chế những container hàng phải giao cho doanh nghiệp Việt Nam.