“Đại gia” chán lướt sóng địa ốc Hà Nội, rót tiền kiếm lời khủng từ vùng ven
Nhà đầu tư lướt sóng chán địa ốc Hà Nội
Báo cáo vừa công bố của Hội Môi giới Bất động sản cho thấy, từ đầu năm, thị trường Hà Nội vắng bóng các nhà đầu tư. Quý III/2019 thị trường bất động sản Hà Nội đánh dấu sự sụt giảm cả về lượng cung và giao dịch so với các quý trước và cùng kỳ năm 2018.
Tình trạng đầu tư lướt sóng lãi nhanh từ bất động sản ở Hà Nội giảm mạnh. Bên cạnh đó, số lượng người mua để cho thuê, đầu tư nhỏ lẻ cũng kém hiệu quả hơn so với TP.HCM nên nhà đầu tư Hà Nội không mặn mà với việc đổ tiền vào kênh này.
Các giao dịch thành công chủ yếu vẫn là khách hàng có nhu cầu sử dụng thực, tỷ lệ hấp thụ trong quý vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Việc không có nhiều nhà đầu tư cũng khiến giá bán căn hộ ổn định hơn, không biến động so với quý trước và chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, việc tăng giá đột biến ở Hà Nội khó xảy ra, ngay cả tại những khu vực có “siêu” dự án tỷ USD rót vào như Đông Anh. Theo khảo sát, mặt bằng giá không tăng, gần như đi ngang trong nhiều năm nay.
Nguyên do bởi giá bất động sản tại Hà Nội bị đẩy lên quá cao. Tính nhộn nhịp, sôi động mua đi, bán lại trên thị trường không còn nhiều nữa. Trong khi đó, bất động sản các tỉnh vùng ven còn nhiều dư địa tăng giá. Chính vì vậy, bắt đầu cuối năm 2017, dòng tiền đã có xu hướng dịch chuyển ra các thị trường bất động sản vùng ven như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…
“Do không còn sức hấp dẫn ở 2 thị trường bất động sản lớn của Việt Nam nên các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ và thậm chí là cả các nhà đầu tư phát triển bất động sản đã dịch chuyển hoạt động đến những thị trường mới tại các tỉnh lẻ trên cả nước có sức hấp dẫn hơn do giá cả và các ưu đãi đầu tư và đặc biệt là có sự đầu tư của chính nhà nước vào hệ thống hạ tầng giao thông đô thị”, báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản nhận định.
Một trong những thị trường đáng chú ý trong nhóm mới nổi này phải đến là Thái Nguyên - trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục của khu trung du miền núi phía Bắc.
Bất động sản vùng ven sốt nóng – cẩn trọng khi rót tiền đầu tư
Một nhà đầu tư cá nhân cho biết, vài năm trở lại đây, Thái Nguyên được biết đến là “điểm nóng” của thị trường đất nền phía Bắc, đặc biệt từ khi Samsung đầu tư mạnh vào khu vực này. Điều này kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng lên nhanh chóng.
Chưa kể, sau hội nghị xúc tiến thương mại (tháng 7/2018), Thái Nguyên thu hút được gần 46.800 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh. Với kết nối giao thông thuận tiện với Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…, Thái Nguyên thu hút nhiều công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước rót vốn đầu tư sản xuất, kéo theo đó là lực lượng lao động lớn cùng đội ngũ chuyên gia về đây làm việc.
Chính điều này, đã tạo nên sức hút tìm kiếm đầu tư cho nhiều “đại gia” bất động sản. Kéo theo đó hàng loạt nhà đầu tư cá nhân từ Hà Nội và các địa phương khác cũng đổ về đây với mong muốn kiếm lãi đậm từ đất.
Báo cáo của Hội môi giới Việt Nam cũng phản ánh điều này: Do có sự phát triển về giao thông đô thị, và khu công nghiệp ở các khu vực lân cận Hà Nội như Thái Nguyên, số lượng dự án bất động sản và lượng giao dịch tại các khu vực này cũng tăng lên đáng kể.
Theo thống kê, 3 năm trở lại đây giá đất tại TP Thái Nguyên không ngừng tăng, có thể kể đến đất thổ cư tăng giá từ 20%, tương đương 12 - 18 triệu đồng/m2, ở những trục đường lớn, khu vực trung tâm, mức giá đẩy lên đến 30 - 40 triệu đồng/m2.
Nhiều đại gia bất động sản đã rót vốn khủng vào Thái Nguyên, có thể kể đến như Cen Group, Vinaconex, Sông Đà, T&T, FLC, Tiến Bộ… Bước sang năm 2019, Thái Nguyên ghi nhận thêm một số dự án sắp ra mắt như Crown Villas, khu đô thị Danko City Thái Nguyên… Đây đều là những dự án có tổng mức đầu tư với số vốn lớn được kỳ vọng góp phần thay đổi diện mạo thành phố thủ phủ công nghiệp mới của phía Bắc.
Bước sang quý IV/2019, Hội Môi giới Bất động sản dự báo thị trường địa ốc các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hoá... sẽ khởi sắc hơn quý 3 với nhu cầu đầu tư mạnh dịp cuối năm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng, thị trường “nóng” nhưng không có nghĩa là đầu tư theo “tâm lý bầy đàn” vào bất kỳ khu vực nào.
Theo đó, những địa phương nào có công nghiệp phát triển mạnh và hạ tầng xã hội tốt thì bất động sản càng có thanh khoản tốt, bởi nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài và nhân sự cao cấp là lực đẩy tăng giá cho bất động sản.
Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, trước khi quyết định có nên đầu tư “đón sóng”, “chờ thời” hay không, cần cẩn trọng.
Trong đó, điều cần thiết đầu tiên là xem xét kỹ càng tính pháp lý, quy hoạch bất động sản mình dự định tham gia. Việc này theo chuyên gia, tránh việc ào ào nhắm mắt mua phải dự án ma, dự án lừa.
Thứ hai, xem xét tình hình thị trường khu vực định mua. Tìm hiểu xem giao dịch mua bán chủ yếu người tiêu dùng hay đầu cơ.
Thứ ba, tốt nhất nên lựa chọn những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, có uy tín để tìm hiểu. Giá trị bất động sản luôn đi theo giá trị hạ tầng, dịch vụ xung quanh.
“Hạ tầng đồng bộ, đầu tư bài bản, giá trị bất động sản mới tăng chứ nghe thông tin thì giá có thể tăng lúc này lúc khác nhưng sau đó có thể quay đầu bất kỳ lúc nào. Và cuối cùng người đầu tư sẽ mắc kẹt”, ông Đính nói.
Nguyễn Mạnh