"Đại gia" đất động sản thời đại dịch: Nhà giàu cũng phải khóc?

Đại gia đất động sản thời đại dịch: Nhà giàu cũng phải khóc? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Đại dịch làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.

Địa ốc – khó chồng khó

Ngay từ cuối năm 2019, nhiều chuyên gia cùng báo cáo từ các tổ chức nghiên cứu bất động sản đã nhận định thị trường địa ốc sẽ tiếp tục gặp khó do thiếu hụt nguồn cung. Nhưng đến khi dịch Covid-19 bùng phát, thì “khó càng chồng khó”.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Hội môi giới bất động sản Việt Nam, mới có 2 tháng mà 300 sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đã phải đóng cửa, 500 sàn đang hoạt động cầm cự vì dịch bệnh.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, đại dịch làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp bất động sản. Công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng là khâu rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng không thể thực hiện được.

Đại dịch khiến doanh nghiệp tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển thành nợ xấu. Tất cả những khó khăn này được ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh, làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị rơi vào thua lỗ, phá sản.

Anh Trần Minh (30 tuổi), nhân viên môi giới bất động sản tại sàn giao dịch có tiếng ở Hà Nội than thở việc 2 tháng nay dịch bệnh Covid-19 khiến người gọi điện hỏi mua nhà thôi cũng đã ít. Không bán được hàng trong khi vẫn phải bỏ 1 khoản chi phí không nhỏ để chạy tiền quảng cáo, anh Trần Minh cũng như bao lao động làm nghề môi giới khác cảm thấy chật vật.

Không ít người bỏ cuộc, chuyển hướng tìm công việc khác như xe ôm, bán đồ ăn… Cũng có những người chấp nhận thất nghiệp khi không tìm được hướng đi mới.

Điều đáng lo ngại, hầu hết các phân khúc của bất động sản đều gặp khó. Rõ nhận thấy nhất là phân khúc bất động sản du lịch và bất động sản cho thuê. Tác động của tâm lý hạn chế đi lại và lệnh cấm nhập cảnh từ nhiều quốc gia đã ngay lập tức làm ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khách sạn và du lịch.

Khó khăn trong kinh doanh khiến làn sóng trả mặt bằng xuất hiện nhiều nơi. Một số doanh nghiệp sở hữu mặt bằng lớn như Công ty CP Vincom đã quyết định dành 300 tỷ đồng hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Các doanh nghiệp bất động sản phải phát sinh nhiều chi phí để hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng như giảm giá thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian hoặc hỗ trợ lãi suất cho khách vay mua nhà”, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea) cho biết.

Thực trạng lượng giao dịch giảm mạnh trong 2 tháng vừa qua cùng với cảnh báo về tác động kéo dài của dịch Covid-19, các chuyên gia không loại trừ khả năng lặp lại kịch bản thị trường bất động sản đóng băng giống như “bức tranh đen tối” giai đoạn 2011 – 2013. Nhưng trái với thời kỳ trước, thách thức này hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của các doanh nghiệp địa ốc.

Cần cứu bất động sản để tránh hiệu ứng Domino

Để giúp các doanh nghiệp địa ốc đủ sức cầm cự đợi qua dịch Covid-19, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị bổ sung doanh nghiệp BĐS vào nhóm đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thứ hai, đề nghị bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn, trong đó có các doanh nghiệp BĐS. Thứ ba, đề nghị xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp các loại thuế nêu trên cho doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng kiến nghị trên hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh này. Bất động sản thực sự khó khăn vì khách hàng hầu như dừng hết, từ việc đi du lịch đến mua nhà cửa.

Theo ông Đính, doanh nghiệp bất động sản vốn đã khó khăn vì nguồn cung hạn hẹp, thắt chặt nguồn tín dụng, nay thêm đại dịch như cú “bồi” khiến họ lầm vào tình trạng “sống dở chết dở".

“Thực hiện một dự án thường kéo dài trong nhiều năm. Đầu năm 2020, dính ngay vụ dịch. Dự án đã hoàn thành cũng không thể bán được. Rõ ràng nguồn thu không có thì họ lấy đâu chi phí để thực hiện nghĩa vụ”, ông Đính nói.

Ông Đính cho rằng nếu các kiến nghị nêu trên được chấp thuận, doanh nghiệp mới có thể phần nào giảm bớt khó khăn.

Theo thống kê Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản có liên quan đến hơn 90 ngành nghề, sử dụng hàng ngàn sản phẩm của nền kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động và cung ứng nhiều loại hình sản phẩm bất động sản, đặc biệt là nhà ở.

“Thị trường bất động sản gặp khó, sụt giảm tới 40% nguồn cung khiến các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu cũng mất việc. Chưa kể, doanh nghiệp không trụ được sẽ tạo ra những khoản nợ xấu cho ngân hàng”, ông Đính chia sẻ.

Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc JLL Việt Nam cho biết, doanh nghiệp bất động sản thường bị gắn với suy nghĩ “đại gia, giàu có”, nguồn lợi khổng lồ nên không ít ý kiến cho rằng chưa nên cho họ vào danh sách đối tượng được “giải cứu".

Tuy nhiên thực tế không phải như vậy, nhiều doanh nghiệp khó khăn thực sự. Ông Quang cho rằng: Nên đối xử công bằng, bình đẳng với doanh nghiệp. Nếu họ chứng minh được những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 thì không có lý do gì ngoại trừ họ trong nhóm đối tượng được hỗ trợ.

Theo ông Quang “trước pháp luật họ có nghĩa vụ như doanh nghiệp khác, thì quyền lợi họ có cũng cần phải như vậy. Bất động sản đóng góp tăng trưởng kinh tế khá lớn. Ngành này khó khăn thì kéo theo rất nhiều ngành khác khó khăn, trong đó rõ nhất là nhóm ngành xây dựng, vật liệu và ngân hàng".

Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng, phía sau các doanh nghiệp bất động sản không chỉ là sinh kế của hàng ngàn nhân viên mà còn là hàng triệu “nồi cơm” của 90 ngành nghề liên quan – những ngành nghề mà bất động sản “chết” thì cũng sẽ “bất động” theo, thậm chí ảnh hưởng cả nguồn đóng góp cho ngân sách trong tương lai.

“Doanh nghiệp yếu “cứu" có thể sống, chứ để “chết" rồi thì không cứu được nữa. Doanh nghiệp địa ốc đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế. Nếu doanh nghiệp phá sản la liệt, nhà nước cũng không thể có nguồn thu sau này", ông Đính tỏ rõ sự lo ngại về hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền nếu bất động sản không được giải cứu kịp thời.

Nguyễn Khánh