“Đại gia" địa ốc đua nhau phá sản, nhiều nơi rơi vào cảnh “ngủ đông"

“Đại gia địa ốc đua nhau phá sản, nhiều nơi rơi vào cảnh “ngủ đông - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Bức tranh thị trường bất động sản xuất hiện nhiều gam màu tối với lượng doanh nghiệp giải thể, "ngủ đông" gia tăng.


Báo cáo quý 1/2020 vừa công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy bức tranh với nhiều gam màu tối của thị trường bất động sản.

Cụ thể, về tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho biết có 11/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng.

Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với mức tăng lên tới 69%.

Bên cạnh đó, trước tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chọn cách "ngủ đông" để cố gắng cứu vãn tình hình.

Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường đã thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông”.

Doanh nghiệp chọn cách này để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chứ chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.

Minh chứng cho điều này, Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, xu hướng này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể.

Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất là: Kinh doanh bất động sản, có 493 doanh nghiệp, tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Các ngành còn lại là: nghệ thuật, vui chơi và giải trí, du lịch; dịch vụ lưu trú và ăn uống. Cục quản lý đăng ký kinh doanh nhận định “đây là các lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh”.

Sự khó khăn của thị trường bất động sản trước tác động của Covid-19 cũng được thể hiện ở hầu hết ở báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường thời gian vừa qua.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Vnrea) cho rằng, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội và tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Đi đôi với tổng cầu giảm, giá dầu giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đảo lộn, làm cho nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nội địa, trong đó có thị trường bất động sản.

“Nhiều cổ phiếu bất động sản bị giảm sàn, nằm sàn. Đại dịch COVD-19 đã tạo ra những thách thức rất to lớn đối với ngành bất động sản, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản”, Vnrea cho biết.

Lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn xấu, chỉ khi nào Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh mới có thể nhìn thấy được những chuyển biến tích cực.

Trong trường hợp không thể kiểm soát dịch bệnh trong ngắn hạn, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải có những biện pháp để thích nghi, làm quen với thị trường bằng việc đưa ra những phương thức mới trong hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm.

Nguyễn Mạnh