Đánh thuế bất động sản theo thời gian sở hữu, Bộ Tư pháp nói không khả thi

Trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu thuế suất lũy tiến đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, tức là áp thuế cao hơn với các giao dịch có thời gian sở hữu ngắn nhằm hạn chế đầu cơ.

Chính sách này được kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng mua đi bán lại trong thời gian ngắn để trực lợi. Kiểm soát hiện tượng bong bóng bất động sản do đầu cơ gây ra. Hướng tới sử dụng nhà đất hiệu quả hơn, đảm bảo tính công bằng trong thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp góp ý rằng mức thuế cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản.

Để thực hiện chính sách này, cần đồng bộ với các quy định về đăng ký đất đai, thuế và công nghệ thông tin để tránh tình trạng lách luật, trốn thuế. Khi hệ thống quản lý chưa hoàn chỉnh, việc triển khai chính sách này sẽ gặp nhiều vướng mắc.

Hiện nay, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản ở Việt Nam đang áp dụng thuế suất cố định 2% trên giá trị giao dịch, không phân biệt theo thời gian sở hữu.

Chính vì vậy, Bộ Tư pháp cho rằng giải pháp thu thuế theo thời gian nắm giữ không khả thi. Bộ này đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện chính sách trước khi áp dụng nhằm đảm bảo hiệu quả và tính khả thi.

Thực tế, đề xuất đánh thuế theo thời gian sở hữu nhà đất được đưa ra trong bối cảnh giá nhà đất liên tục tăng cao thời gian qua, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Theo Bộ Tài chính, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để hạn chế đầu cơ, trong đó có việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân nhằm làm tăng chi phí đối với những giao dịch mang tính đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc lướt sóng bất động sản.

Ngoài đề xuất đánh thuế theo thời gian sở hữu, trước đó Bộ Xây dựng cũng đề xuất áp thuế với các trường hợp sở hữu nhiều bất động sản nhưng không đưa vào sử dụng. Bộ Tài chính đang nghiên cứu thêm về chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang để trình Chính phủ xem xét.

Chuyên gia đề nghị cần 1 chính sách thuế linh hoạt

Chia sẻ với Dân Việt, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho rằng việc đánh thuế bất động sản là bước đi cần thiết để ngăn chặn đầu cơ. Tuy nhiên, để tránh đánh đồng người có nhu cầu thực và đầu cơ thì cần có 1 chính sách linh hoạt chứ không "gò ép" vào 1 sắc lệnh chung.

Để chính sách này không gây tác động tiêu cực, ông Hiếu đề xuất cơ quan nhà nước cần có các giải pháp hỗ trợ như lộ trình thuế rõ ràng, ưu đãi cho người mua nhà lần đầu và phát triển nhà ở xã hội cần được triển khai đồng bộ.

Chính sách thuế nào cũng sẽ có 2 mặt lợi và hại. Vậy nên, cần cân bằng hoặc ít nhất có thể tránh tối thiểu được rủi ro cho người dân. Việc áp thuế bất động sản cần phải đảm bảo công bằng, không gây tác động tiêu cực đến người mua nhà để ở. Chính sách không nên đánh đồng giữa các nhà đầu tư đầu cơ và người có nhu cầu thật sự, ông Hiếu nhấn mạnh.