Đầu tư bất động sản công nghiệp: Nhảy vào kiểu “bầy đàn”, rủi ro rất cao!

Đầu tư bất động sản công nghiệp: Nhảy vào kiểu “bầy đàn”, rủi ro rất cao! - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội nhất để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Hưởng lợi từ bất động sản công nghiệp, nhanh nhạy mới có thời cơ

Khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh quá trình đa dạng hoá địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid - 19, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội nhất để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trở nên sôi động. Báo cáo của nhiều tổ chức bất động sản công bố cho thấy, liên tục từ đầu năm 2020 đến nay với sự gia tăng yêu cầu thuê đất và nhà máy từ cả khách thuê hiện hữu lẫn khách thuê mới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo nếu ồ ạt “nhảy” vào sẽ gặp nhiều hệ luỵ, không cẩn thận lại phải “giải cứu”.

Hiện có nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ngoài bất động sản cũng bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang bất động sản công nghiệp.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, ban lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hà cho biết bên cạnh các sản phẩm truyền thống cốt lõi, doanh nghiệp chuyển hướng sang đầu tư một số ngành mới, trong đó có hạ tầng công nghiệp bất động sản.

Chia sẻ trước ĐHĐCĐ về tính cạnh tranh tại phân khúc bất động sản công nghiệp, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà cũng - cho rằng nếu “ào ào" nhảy vào đầu tư thì rất dễ xảy ra cảnh dư thừa nguồn cung, doanh nghiệp ngậm trái đắng.

Đầu tư bất động sản công nghiệp: Nhảy vào kiểu “bầy đàn”, rủi ro rất cao! - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà cho rằng nếu nhảy vào đầu tư bất động sản công nghiệp theo tâm lý bầy đàn, xu hướng đám đông thì rất dễ nằm trong số phải “giải cứu".

“Quả thực đầu tư bất kỳ lĩnh vực nào mà chỉ thấy màu hồng, thì rủi ro là vô cùng lớn. Chúng tôi cũng từng rút ra bài học xương máu cho mình. Nếu đầu tư theo bầy đàn, theo xu hướng đám đông, theo dư luận thì rất dễ nằm trong số phải “giải cứu". Ngành nào cũng vậy, không riêng gì bất động sản công nghiệp đâu" - ông Sơn chia sẻ.

Theo chia sẻ từ Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, doanh nghiệp đã nhận ra tiềm năng lớn từ bất động sản công nghiệp từ 3 năm trước và nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp đang được triển khai ở một số tỉnh thành.

“Nếu lúc này mới bắt đầu làm thì sau vài năm hoàn thiện thủ tục, có nguy cơ rơi vào thời điểm bão hoà, thậm chí thừa nguồn cung. Để làm thủ tục dự án khu công nghiệp nhanh cũng 2-3 năm, thậm chí có khu nhiều năm vẫn chưa xong thủ tục pháp lý. Hiện chúng tôi đã triển khai 3 dự án, trong số này 1 dự án đã hoàn thiện pháp lý, dự án thứ 2 đang sắp hoàn thiện”, ông Sơn cho biết doanh nghiệp đang tiếp tục tìm hiểu, mở rộng lĩnh vực này tại các vùng lân cận Hà Nội, TP.HCM.

Nhiều vấn đề cần cải thiện để đón cơ hội từ BĐS công nghiệp

Phát biểu tại hội thảo bàn về giải pháp khắc phục khó khăn sau Covid-19, Shark Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group lo ngại các doanh nhân Trung Quốc với sự nhanh nhạy sẽ tận dụng cơ hội trước Việt Nam trong mảng bất động sản công nghiệp.

“Trước làn sóng dịch chuyển này, họ đã sang Việt Nam và M&A sẵn các khu công nghiệp. Nếu chúng ta không nhanh chóng, sẵn sàng thì các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ vào với tâm thái “Tôi lại ở đây và sẵn sàng đón các anh!”, ông Hưng nhận định.

Do vậy, ông Hưng cho rằng, Việt Nam cần nhanh, linh hoạt để sẵn sàng đón nhận những cơ hội này.

Còn theo ông John Campbell – Quản lý Bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills TPHCM, Việt Nam còn một số những yếu tố trong lĩnh vực công nghiệp cần được nâng cấp và cải thiện, như cơ sở hạ tầng, hậu cần, giá đất…

“Mặc dù đã được cải thiện rất nhiều trong vài năm qua, chi phí hậu cần ở Việt Nam vẫn đang giữ vị trí cao nhất trong khu vực châu Á. Do vậy, dù sẽ mất nhiều thời gian, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, giao thông… vì hiệu quả lâu dài sẽ chắc chắn khiến chi phí này giảm đi rất nhiều. Giá đất cũng đã và đang tăng nhanh trong vài năm qua do nhiều quốc gia quyết định chuyển hướng vào thị trường Việt Nam, khiến nguồn cầu tăng mạnh”, ông John nói.

Một báo cáo mới được công bố bởi CBRE cho thấy, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại các thành phố và tỉnh sản xuất lớn của Việt Nam tăng cao trong bối cảnh nguồn cung đất công nghiệp bị hạn chế.

Tại miền Bắc, giá chào thuê từ 65 đến 260 USD/m2/chu kỳ thuê. Tại các vùng công nghiệp miền Nam, giá chào thuê rơi vào khoảng 80 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê.

Bên cạnh đất công nghiệp cho thuê, thị trường cũng ghi nhận tăng trưởng tốt ở phân khúc nhà xưởng và nhà kho xây sẵn. Nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tiếp tục tăng trưởng ổn định ở cả hai khu vực công nghiệp chính ở miền Nam và miền Bắc.

Nguyễn Mạnh