ĐBQH: Có những doanh nghiệp đang thu gom đất và mong chờ thực hiện thí điểm làm nhà ở thương mại trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp
Tiếp tục nội dung Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 21/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất .
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất . Song, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ, tránh để xảy ra tình trạng thu gom đất lúa tự phát làm nhà ở thương mại, ảnh hưởng tới an ninh lương thực.
Dẫn chứng ví dụ điển hình là vụ án địa ốc Alibaba, ông Nguyễn Công Long, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh không được để việc cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất làm tái diễn tình trạng thu gom đất nông nghiệp như nhiều năm trước. Bởi theo đại biểu, có những doanh nghiệp rất khôn khéo đang đi thu gom rất nhiều đất và mong chờ thực hiện thí điểm này.
"Từ quyết định không phải đất ở sang đất ở, tức từ 500 nghìn đồng/m2 nay có thể lên 20 triệu đồng/m2. Như vậy, chúng ta đang tạo ra một địa tô rất lớn từ một quyết định hành chính. Vậy ai sẽ đạt được lợi ích này?", ông Phạm Đức Ấn, Đại biểu Thành phố Hà Nội đặt câu hỏi.
Còn theo ông Mai Văn Hải, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Hiện tại, theo Luật Đất đai 2024, có quy định được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không quá 15 lần. Vậy, nếu giờ nhận đất nông nghiệp để thực hiện các dự án nhà ở thương mại cũng nên có quy định hạn mức này. Qua đó, đại biểu cho rằng cũng cần quy định hạn mức rõ ràng để tránh việc thu gom đất nông nghiệp tràn lan, ảnh hưởng tới an ninh lương thực, trục lợi chính sách.
Cũng theo đại biểu, chỉ nên xác định phạm vi thí điểm ở một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn.
Về điều kiện thực hiện các dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận để nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất , đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm của dự thảo Nghị quyết là mở rộng thêm 3 trường hợp (Luật Đất đai 2024 chỉ cho phép áp dụng với đất ở) là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở và đất trong một thửa liền với đất ở.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị đối với đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì cần phải có quy định chặt chẽ hơn.
Trước hết, mở rộng đất nông nghiệp cho dự án nhà ở thương mại nhưng vẫn phải đảm bảo vấn đề an ninh lương thực (đảm bảo được diện tích đất lúa 3,5 triệu ha đến năm 2030); đất nông nghiệp phải nằm trong quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chứ không chỉ quy định là "phù hợp với quy hoạch" vì sẽ rất khó xác định thế nào là phù hợp quy hoạch.
Trường hợp thứ hai, đối với diện tích đất phi nông nghiệp không phải là là đất của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, đơn vị công an, quân đội... trong trường hợp thực hiện sáp nhập, giải thể hay là chuyển trụ sở thì mới thực hiện thỏa thuận chuyển quyền.
Đại biểu cho rằng câu chuyện thỏa thuận sẽ xung đột với quy định đấu thầu dự án có sử dụng đất và xung đột với quy định đấu giá tài sản công, do đó phải quy định rất rõ cơ chế để tiến hành thỏa thuận.
Trường hợp việc thỏa thuận cả một dự án lớn mà chỉ còn một, hai trường hợp không thỏa thuận được, đại biểu kiến nghị Nhà nước có biện pháp để thực hiện được giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại, tránh ách tắc, khó khăn.
Về tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, với quy định không vượt quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch, đại biểu đề nghị làm rõ căn cứ của quy định không vượt quá 30% này, tránh tình trạng không khuyến khích được các nhà đầu tư tự thỏa thuận hoặc nhận chuyển nhượng để thực hiện các dự án nhà ở thương mại.
Tất cả các ý kiến nêu trên, ông Đỗ Đức Duy, Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Chính phủ xin tiếp thu và sẽ được quy định chi tiết, cụ thể trong Nghị định hướng dẫn thi hành Nghị quyết thí điểm này. Từ đó, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như là khắc phục tình trạng lợi dụng các chính sách trục lợi.