Đề xuất giảm 50% lãi vay với doanh nghiệp địa ốc và người mua nhà

Đề xuất giảm 50% lãi vay với doanh nghiệp địa ốc và người mua nhà - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Doanh thu doanh nghiệp địa ốc sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Cả các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn.

Hàng loạt kiến nghị về vốn tín dụng

Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có một loạt đề xuất các giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, các ngân hàng thương mại chưa xem các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà là đối tượng được áp dụng Thông tư 01 để có thể tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ có giá trị lên đến gần 300.000 tỷ đồng.

Do vậy, lãnh đạo Hiệp hội này đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01 đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.

“Đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn”, HoREA kiến nghị.

Không chỉ đối với người mua nhà, HoREA cũng kiến nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ người vay mua nhà ở thương mại được giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn.

Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình vay vốn tín dụng.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến ngành ngân hàng ngày 22/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ tối đa cho khách hàng song tuyệt đối không hạ chuẩn cấp tín dụng, không nới lỏng điều kiện vay vốn, để đảm bảo an toàn hệ thống, tránh gây hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế. 

Lãnh đạo HoREA cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ công bố “đại dịch Covid-19” và chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, thì có thể coi là “trường hợp bất khả kháng” do thiên tai, địch họa; dẫn đến “trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng” theo Khoản 3 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng. Trong tình thế như thời chiến thì đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó khác với giai đoạn bình thường trước đây”.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù, chỉ áp dụng cho năm 2020.

"Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã thấu hiểu, chia sẻ, hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, để cùng nhau chèo lái vượt qua cơn bão đại dịch Covid-19. Nhưng, nếu tại thời điểm này vẫn phải áp dụng 100% các tiêu chuẩn hoạt động tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng, thì rất khó cho cả tổ chức tín dụng và doanh nghiệp", ông Lê Hoàng Châu cho biết.

Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản dư nợ tín dụng hiện nay và cả các khoản vay mới, có thể giảm lãi suất từ 30-50% tùy theo đối tượng, trong thời hạn tối thiểu 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020); giảm phí hoạt động ngân hàng.

Đồng thời đề nghị tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng (vay mới) và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, đối với doanh nghiệp được tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ.

Ngoài ra, xem xét giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn, đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020; tiếp tục cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà, được giảm khoảng 30-50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020).

Người mua nhà gặp khó về tài chính

Theo ông Lê Hoàng Châu, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong quý I/2020, trên cả nước có khoảng 53.000 sản phẩm bất động sản được chào bán ra thị trường nhưng tỷ lệ tiêu thụ được chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Riêng tại TP.HCM, trong quý I/2020, có đến 1.523 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngành nghề bị giải thể, tăng 54,5% và 5.088 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; Có hơn 7.000 lao động bị ngừng việc tạm thời hoặc bị chấm dứt hợp đồng và dự kiến có khoảng 70.000 lao động (phần lớn trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa) sẽ bị tác động trong những tháng sắp tới.

Nhìn tổng thể, theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường bất động sản quý I/2020 bị trầm lắng, trong đó tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 gần như bị đóng băng, giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%,

Doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Cả các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn.

Ông Châu cho biết, tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động.

Nguyễn Mạnh