Đề xuất khai thác lưỡng dụng: Sân bay đầu tiên của Bộ Công An có thể đón 3-5 triệu khách/năm

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Công văn số 569/UBND-XDCB về việc bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Gia Bình, theo Báo Đầu tư. Trong đó, Cảng hàng không Gia Bình là sân bay chuyên dùng đầu tiên của lực lượng công an, đã được khởi công hồi giữa tháng 12/2024.

UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị xem xét chấp thuận cập nhật, bổ sung Cảng hàng không Gia Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh Bắc Ninh đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giao địa phương này phối hợp với Bộ Công an triển khai các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.

Theo đề xuất, Cảng hàng không Gia Bình có quy mô, cấp sân bay cấp 4E; công suất quy hoạch dự kiến là vận chuyển 1 - 3 triệu lượt hành khách/năm (có dự phòng phát triển mở rộng đáp ứng công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm); vận chuyển từ 250.000 đến 1 triệu tấn hàng hóa/năm (có dự phòng phát triển mở rộng đáp ứng công suất từ 1,5 đến 2 triệu tấn hàng hóa/năm).

Cảng hàng không Gia Bình cách Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khoảng 60km. Nếu đề xuất này được phê duyệt, Gia Bình có thể khai thác lưỡng dụng.

Đề xuất khai thác lưỡng dụng: Sân bay đầu tiên của Bộ Công An có thể đón 3-5 triệu khách/năm - Ảnh 1

Cảng hàng không Gia Bình có quy mô, cấp sân bay cấp 4E; công suất quy hoạch dự kiến là vận chuyển 1 - 3 triệu lượt hành khách/năm.

UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất quy hoạch bổ sung các công trình khu bay trên cơ sở tận dụng hạ tầng đã được Bộ Công an xây dựng; quy hoạch bổ sung sân đỗ máy bay phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa; quy hoạch nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu vực logistics và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

“Trên cơ sở nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không để thúc đẩy sản xuất thương mại, thương mại điện tử và phát triển các trung tâm logistics của tỉnh, việc tận dụng cơ sở hạ tầng khu bay đang được đầu tư xây dựng, việc hình thành Cảng hàng không Gia Bình phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa vừa đảm bảo an ninh - quốc phòng, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội của địa phương là cần thiết”, ông Vương Quốc Tuấn cho biết.

Hồi tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng sân bay Gia Bình. Quyết định nêu rõ, trong giai đoạn 1, dự án có mục tiêu xây dựng một sân bay đa năng, lưỡng dụng, có chức năng sân bay chuyên dùng tương đương cấp 4E, với đường băng dài 1.500 m, quy mô sử dụng đất khoảng 125 ha tại xã Xuân Lai và thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh .

Hà Nội sẽ có cảng hàng không thứ 2

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn đến năm 2030, cảng hàng không quốc tế Nội Bài có công suất 60 triệu hành khách/năm; đến năm 2050 là 100 triệu hành khách/năm.

Đề xuất khai thác lưỡng dụng: Sân bay đầu tiên của Bộ Công An có thể đón 3-5 triệu khách/năm - Ảnh 2

Đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đón 100 triệu hành khách/năm.

Cuối năm 2024, theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, sẽ xây dựng cảng hàng không thứ 2 ở phía Nam theo quy hoạch gắn với mô hình đô thị sân bay , dịch vụ logistics quốc tế và đầu mối tiếp vận quan trọng.

Trong Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 Hà Nội định hướng quy hoạch Cảng hàng không thứ 2 của thủ đô thuộc huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên.

Theo đó, thành phố sẽ bố trí không gian phát triển Cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô tại khu vực tiếp giáp trục cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt thống nhất Bắc-Nam và trục giao thông kinh tế phía Nam. Vị trí sân bay thuộc địa bàn một số xã thuộc huyện Ứng Hòa và Phú Xuyên. Công suất dự kiến khoảng 50 triệu hành khách/năm.

Vào tháng 5/2024, Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị kết luận về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Trong đó, kết luận nêu rõ cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô và khu vực đồng bằng sông Hồng.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2050 nước ta sẽ có 33 cảng hàng không. Hiện cả nước có 22 sân bay đang khai thác.