Đề xuất siết tín dụng với người sở hữu từ 2 bất động sản trở lên
Liên quan đến vấn đề tín dụng cho bất động sản, trong báo cáo mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng: Thị trường bất động sản tại Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ tình trạng nợ xấu, tồn kho bất động sản tăng cao, đến khó khăn trong việc huy động vốn và suy giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Những khó khăn này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thị trường mà còn gây ra những hệ lụy lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế.
Một trong những điểm mới của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 là bổ sung cơ chế điều tiết thị trường địa ốc, áp dụng từ 1/8. So với quy định cũ, luật mới nêu rõ biện pháp điều tiết thị trường được thực hiện khi chỉ số giá giao dịch tăng hoặc giảm trên 20% trong ba tháng hoặc khi thị trường có các biến động khác ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.
VARS cho rằng cơ sở dữ liệu bất động sản hiện nay chưa đầy đủ, chính xác, khiến việc xác định "chỉ số giá giao dịch tăng hoặc giảm trên 20% trong ba tháng" không đơn giản. Tuy nhiên, điều tiết thị trường bằng chính sách pháp luật về tín dụng, theo VARS là một trong những giải pháp hiệu quả, đảm bảo thị trường phát triển bền vững, tránh những tác động gây bất ổn cho nền kinh tế.
Cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, quản lý tín dụng bằng cách yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo chi tiết các khoản vay liên quan bất động sản, đồng thời ưu tiên cấp vốn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp.
Với nhóm mua nhà lần đầu, VARS đề xuất chính sách nới lỏng tín dụng gồm giảm lãi suất, hỗ trợ các khoản vay dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm mục đích ổn định xã hội.