Đề xuất ưu tiên tập đoàn kinh tế Nhà nước thí điểm làm điện gió ngoài khơi

Theo Bộ Công thương , Quy hoạch điện 8 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.500 MW.

Trong khi đó, điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực mới, có liên quan đến an ninh, chủ quyền biển đảo và còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều bộ, cơ quan và thiếu các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật đồng bộ để thực hiện. Việt Nam chưa có một dự án điện gió ngoài khơi nào nên không có kinh nghiệm về dự án điện gió ngoài khơi, cùng đó là những khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật; về kỹ thuật liên quan đến phát triển và vận hành dự án điện gió ngoài khơi.

Chính phủ dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp về vấn đề này, giao cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Trong đó, đề xuất giao các tập đoàn kinh tế nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc Bộ Quốc phòng triển khai các dự án thí điểm.

Với quan điểm việc triển khai thực hiện dự án điện gió ngoài khơi cần kỹ lưỡng, thận trọng, Bộ Công thương đề xuất 3 phương án như sau: Giai đoạn đầu tập trung giao tập đoàn kinh tế nhà nước làm dự án thí điểm, tạo tiền đề để hoàn thiện quy định pháp luật. Nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân chỉ thực hiện sau khi có đánh giá toàn diện dự án thí điểm và hệ thống văn bản pháp luật đã hoàn thiện.

Đề xuất ưu tiên tập đoàn kinh tế Nhà nước thí điểm làm điện gió ngoài khơi - Ảnh 1

Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực hoàn toàn mới, Bộ Công thương đề xuất 3 phương án triển khai thí điểm

ĐỘC LẬP

Cụ thể, phương án 1, giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN ) thực hiện. PVN có lợi thế là có dự án dầu khí ngoài khơi, có cùng cơ sở dữ liệu sẵn có của ngành dầu khí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dồi dào... sẽ có những lợi thế nhất định trong triển khai điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, việc giao PVN đầu tư điện gió ngoài khơi cũng cần được đánh giá phù hợp với chủ trương của Đảng về định hướng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh của PVN . Nội dung này cần tiếp tục được làm rõ sau khi nhận được ý kiến góp ý của bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và PVN .

Phương án 2, thí điểm giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN ) thực hiện. Bộ Công thương cho rằng, EVN có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới nên có những đòi hỏi khác so với các dự án điện truyền thống. Việc giao EVN đầu tư thí điểm cũng có ưu điểm nhất định do không phải tiến hành đàm phán giá điện (do EVN đồng thời là đơn vị mua điện và bán điện). Nội dung này tiếp tục được làm rõ sau khi nhận được ý kiến của bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN .

Phương án 3 là giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng . Phương án này cần được đánh giá về sự phù hợp với chủ trương của Đảng, cũng như đánh giá tính khả thi sau khi xem xét năng lực của đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng . Phương án này sẽ tiếp tục được làm rõ sau khi Bộ Công thương nhận được ý kiến góp ý của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành.

Về việc giao cho tư nhân trong nước thực hiện, Bộ Công thương đánh giá, dù thời gian qua, tư nhân đã tham gia nhiều vào đầu tư trong lĩnh vực điện. Tuy nhiên, các dự án do tư nhân đầu tư thường là các dự án điện truyền thống, các dự án điện mặt trời và điện gió có quy mô không lớn. Với những vướng mắc về pháp luật hiện nay và điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, có liên quan tới quốc phòng, an ninh nên Bộ Công thương cho rằng chưa nên giao tư nhân đầu tư thí điểm trong khi chưa đánh giá hết được các vấn đề về quốc phòng, an ninh, giá, vướng mắc pháp luật.