Địa ốc thời corona: Doanh nghiệp kêu khó, thị trường xuất hiện sự khó hiểu

Địa ốc thời corona: Doanh nghiệp kêu khó, thị trường xuất hiện sự khó hiểu - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Ảnh minh hoạ.

Điểm khó hiểu thị trường địa ốc: Giao dịch trầm lắng, giá vẫn leo thang

Mặc dù nhu cầu giảm, lượng giao dịch có xu hướng ít hơn nhưng theo quan sát của giới chuyên gia, giá nhà đất chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Cụ thể, bước sang năm 2020, nhiều nhận định cho rằng giá cả tiếp tục sẽ leo thang đối với các phân khúc bất động sản như đất nền, chung cư, biệt thự liền kề. Trong đó phân khúc chung cư chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân do nguồn cung khan hiếm, số lượng dự án mới giảm. Trong khi đó đất nền thì nóng sốt, tăng giá một số khu vực nhất định.

“Mặc dù giao dịch từ Tết ra còn khá trầm lắng, nhưng tôi cho rằng mặt bằng giá cả để điều chỉnh được cần một thời gian dài. Chưa kể, dịch bệnh chỉ là vấn đề nhất thời. Điều quan trọng để giảm giá bất động sản là nguồn cung phải lớn hơn so với cầu", một chuyên gia bất động sản nêu quan điểm.

Số liệu của Batdongsan.com.vn cũng phản ánh mức độ tăng giá trên thị trường bất chấp dịch. Cụ thể, chỉ mới qua 1 tháng sau Tết, giá bán trung bình căn hộ tại TP.HCM đã tăng thêm hơn 1,6%.

Bất động sản thời... corona: "Chỉ cúng khai trương chứ chưa hoạt động gì"

Mở đầu năm con chuột, bất động sản toàn gam màu tối khi xôn xao thư "cầu cứu" của Chủ tịch HĐQT Novaland - Bùi Thành Nhơn.

Chưa hết, điều khiến các doanh nghiệp bất động sản đang trở nên bất động chính là dịch chủng mới vi rút Corona.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các doanh nghiệp địa ốc lớn tại TPHCM vẫn chưa có kế hoạch bung dự án mới trong quý I. Theo Phó Tổng giám đốc của một tập đoàn địa ốc lớn tại TPHCM cho biết, vẫn chưa thấy sự nóng lên của thị trường trong quý I/2020. Bên cạnh đó, tình hình dịch Corona cũng phần nào khiến các nhà đầu tư lo ngại.

“Nếu dịch Corona kéo dài thì chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường BĐS, khi các nhà đầu tư lo lắng cho sức khỏe. Kèm theo đó sẽ kéo theo chuỗi dây chuyền giao dịch của thị trường yếu đi. Nếu thời gian tới dịch được dập sớm, một số chính sách được khơi thông thì việc bung hàng ra sẽ hợp lý hơn”, vị Phó Tổng tập đoàn bất động sản chia sẻ.

Bất ngờ: Bộ TN&MT hướng dẫn cấp "giấy khai sinh" cho condotel

Ngày 14/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức có văn bản (số 703/BTNMT-TCQLĐĐ) gửi các Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.

Chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu đối với bất động sản, trong đó có căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch là một trong những vấn đề được quan tâm nhất trên thị trường hiện nay. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng sự thoái trào của condotel cũng xuất phát từ mù mờ, tranh cãi trong chế độ sử dụng đất, cấp “sổ đỏ” cho condotel.

Trong văn bản vừa được gửi tới các Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu rõ quy định về chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất của loại hình này.

Theo đó, các sản phẩm như condotel, officetel hay biệt thự nghỉ dưỡng - du lịch sẽ được cấp sổ đỏ với thời hạn tối đa 50 năm và ở những địa bàn đặc biệt khó khăn có thể tới 70 năm.

Địa ốc thời corona: Doanh nghiệp kêu khó, thị trường xuất hiện sự khó hiểu - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Hình minh hoạ.

Thị trường khổ vì corona, doanh nghiệp bất động sản cũng cần "giải cứu"?

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM báo cáo tổng hợp các đề xuất của hiệp hội nhằm tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân.

Trước diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, Hiệp hội này đã đề nghị xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch.

Theo đó, HoREA cho rằng, dịch cúm corona đang tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nước ta, làm tăng thêm khó khăn cho thị trường bất động sản, trước hết là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Do vậy, HoREA đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch nCoV, về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế… để giúp cho một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn.

Doanh nghiệp bất động sản đi vay hàng nghìn tỷ đồng trong tháng đầu năm

Theo thông tin cập nhật của Công ty Chứng khoán SSI đến thời điểm hiện tại, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 1/2020 là 13.374 tỷ đồng.

Địa ốc thời corona: Doanh nghiệp kêu khó, thị trường xuất hiện sự khó hiểu - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Trong nhóm các doanh nghiệp địa ốc vay vốn qua trái phiếu đợt này, lãi suất cao nhất là 13,3%.

Trong đó riêng nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành 7.364 tỷ đồng, tương đương 55% tổng lượng phát hành.

Hơn 7.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của nhóm bất động sản chỉ do 7 công ty phát hành. Lãi suất phát hành bình quân toàn thị trường là 10,03%/năm và kỳ hạn bình quân là 4,98 năm.

Nổi bật vào những ngày đầu năm, Công ty cổ phần Phát triển Golf Thiên Đường đã nhanh tay phát hành 2.681 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn lên tới 10 năm và lãi suất phát hành bình quân là 11,5%. Trong nhóm các doanh nghiệp địa ốc vay vốn qua trái phiếu đợt này, lãi suất cao nhất thuộc về trái phiếu của Công ty cổ phần City Garden (1.598 tỷ đồng) là 13,3%.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)