"Độc chiêu" buôn nhà cũ, nát ở Sài thành
Chị Nguyễn Thị Tâm (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) hiện là chủ một doanh nghiệp. Chị chia sẻ, thời gian đầu, công việc kinh doanh khó khăn. Có thời gian, chị phải làm thêm bằng việc cho nhân viên đi “săn” nhà cũ trong các hẻm trên địa bàn thành phố để kiếm thêm thu nhập.
Sở dĩ chị Tâm nhờ người “săn” nhà hẻm cũ giá rẻ cho mình vì xuất phát từ thực tế bản thân. Trước đó, sau nhiều năm lên Sài Gòn làm ăn, chị gom góp mua được căn nhà hẻm với giá rẻ ở quận Gò Vấp.
Chị bỏ thêm một khoản tiền nhỏ nữa để sửa sang, khiến căn nhà trở nên bắt mắt. Nhiều người đi qua nhìn thấy đã hỏi mua lại với giá khá hời. Sau khi đắn đó, chị quyết định bán để tìm chỗ trung tâm hơn, tiện cho việc kinh doanh.
Sau này, nhận thấy lợi thế của doanh nghiệp là nhân viên thường xuyên đi giao hàng cho khách, chị Tâm dặn họ: Khi giao hàng, nhìn thấy nhà nào cũ, nát nào ở các hẻm rao bán giá rẻ thì về báo cho chị.
Từ năm 2015, chị bắt đầu mua các căn nhà trong hẻm ở quận Gò Vấp, quận 12, Bình Thạnh với giá dưới 1 tỉ đồng, bỏ thêm khoảng 100 - 200 triệu để sửa rồi bán lại. Chị Tâm tiết lộ, thời gian sửa khoảng 1 tháng đổ lại, sau đó, chị bán ngay. Trung bình một căn chị lời trên dưới 300 triệu, có căn may mắn lời tới 400 - 500 triệu đồng.
Nhận thấy đây là cách kiếm tiền khá dễ mà rủi ro không cao, nhiều người trong gia đình chị cũng đi theo hướng kiếm tiền này.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho biết, bất kỳ hình thức kinh doanh nào cũng có hai mặt, thuận lợi và rủi ro, không có riêng phân khúc nào chỉ toàn thuận lợi. Tuy nhiên, ưu điểm của phân khúc này là nhu cầu trên thị trường luôn có.
Điều đó lý giải vì sao “nhà nát” mà có giấy tờ hợp lệ bao giờ cũng hút khách. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố kinh nghiệm của nhà đầu tư.
Đối với phân khúc này, nhà đầu tư thường phải đối mặt với một số khó khăn như sơn sửa xong nhưng không phù hợp với thị hiếu của người mua thì vẫn lỗ như thường. Số tiền đầu tư bị “ngâm” lâu, giá lại không thể tăng quá nhiều, nhà đầu tư sẽ đối mặt với nguy cơ lỗ vốn. Chính vì thế kênh đầu tư này không dành cho những người thiếu kinh nghiệm.
“Đừng đầu tư theo kiểu nghe người ta có lợi nhuận khủng mà lao vào, bởi những nhà đầu tư đó có kinh nghiệm đầu tư 5-10 năm, họ biết giá thế nào là phù hợp, sơn sửa thế nào cho bắt mắt mà chi phí lại rẻ...”, anh Nguyễn Văn Thạch, một nhà đầu tư cho hay.
Cũng theo các chuyên gia bất động sản, kênh đầu tư này có thể mang lại lợi nhuận trung bình 10 - 20% trong thời gian 2 - 3 tháng. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ nên quan tâm đến những căn giá tiền vừa phải vì phân khúc nhà giá rẻ luôn có nhu cầu cao.
Anh Nguyễn Thế Dũng (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) - một nhà đầu tư đất nền, chia sẻ về cái duyên buôn nhà hẻm cũ, nát như sau: Qua các kênh môi giới anh thường làm việc, năm 2018, anh Dũng thấy có tin đăng bán nhà hẻm diện tích 72m2, hẻm xe hơi vào được, nhưng chủ nhà rao bán với giá hơn 3 tỉ đồng.
Nhận thấy căn nhà tuy đã cũ nhưng có thể sinh lời được nếu sửa chữa lại, anh Dũng quyết định mua và bỏ ra một khoản tiền khá lớn, khoảng 600 triệu đồng để sửa sang. Ngôi nhà được đầu tư đẹp như mới được anh bán lại sau đó và lời gần 1 tỉ đồng.
Anh Dũng chia sẻ, hiện tình hình thị trường nhà đất đang có nhiều biến động, bất động sản TP HCM đang khan hiếm nguồn cung mới, giá căn hộ và đất nền ở mức khá cao. Nếu muốn mua nhà rẻ phải tìm ra các khu vực xa trung tâm nhưng đầu tư ở những khu vực đó thì khó sinh lời.
Chính vì vậy, mua nhà cũ, nát ở trong hẻm thuộc khu vực trung tâm hoặc lân cận rồi sửa sang bán lại được xem là cách đầu tư tốt nhất. Kênh đầu tư này hiện đang được nhiều nhà đầu tư áp dụng.
Theo Phạm Văn
Pháp luật Việt Nam