Đón sóng FDI rút khỏi Trung Quốc: Giá thuê BĐS công nghiệp leo thang?

Đón sóng FDI rút khỏi Trung Quốc: Giá thuê BĐS công nghiệp leo thang? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ nhằm đón đầu các xu hướng nguồn cầu mới.

Giá thuê và tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp tăng cao

Khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh quá trình đa dạng hoá địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid - 19, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội nhất để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trở nên sôi động liên tục từ đầu năm 2020 đến nay với sự gia tăng yêu cầu thuê đất và nhà máy từ cả khách thuê hiện hữu lẫn khách thuê mới.

Một báo cáo mới được công bố bởi CBRE cho thấy, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại các thành phố và tỉnh sản xuất lớn của Việt Nam tăng cao trong bối cảnh nguồn cung đất công nghiệp bị hạn chế.

Tại miền Bắc, giá chào thuê từ 65 đến 260 USD/m2/chu kỳ thuê. Tại các vùng công nghiệp miền Nam, giá chào thuê rơi vào khoảng 80 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê.

Bên cạnh đất công nghiệp cho thuê, thị trường cũng ghi nhận tăng trưởng tốt ở phân khúc nhà xưởng và nhà kho xây sẵn. Nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tiếp tục tăng trưởng ổn định ở cả hai khu vực công nghiệp chính ở miền Nam và miền Bắc.

Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam, dự kiến đến hết năm 2020, tổng nguồn cung nhà xưởng và kho xây sẵn tại các khu vực miền Bắc sẽ đạt gần 2,0 triệu m2 sàn cho thuê (tăng 25,3% so với năm trước).

Tại miền Nam, tổng diện tích nhà xưởng xây sẵn sẽ đạt gần 2,7 triệu m2 (tăng 28,2% so với năm trước). Sau khi đại dịch được kiềm chế, giá chào thuê trung bình của nhà kho xây sẵn dự kiến sẽ tăng từ 4% đến 11% so với cùng kỳ.

Các chuyên gia của CBRE nhấn mạnh, hiện nay, các nhà sản xuất lẫn chính phủ các nước đều có nhu cầu cấp bách trong việc tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu quyết liệt thúc đẩy thực hiện các kế hoạch di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc và chuyển đến các quốc gia có mức chi phí thấp và môi trường ổn định hơn.

“Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ nhằm đón đầu các xu hướng nguồn cầu mới. Riêng đối với thị trường nhà xưởng và nhà kho, những sự phát triển mới về sản phẩm bất động sản công nghiệp xây sẵn đang diễn ra vô cùng nhanh chóng để tận dụng thời cơ vàng đang đến gần với toàn thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam”, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc bộ phận Cho thuê văn phòng và công nghiệp, CBRE Việt Nam nói.

Chi phí logistics vẫn cao nhất châu Á, Việt Nam cần đầu tư hạ tầng, cải thiện giá đất

Mặc dù nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới, song vẫn có nhiều ý kiến quan ngại về khả năng của Việt Nam trong việc hấp thụ làn sóng dịch chuyển FDI này. Đặc biệt, mới đây, dư luận xôn xao về thông tin Indonesia đã tranh thủ đón lõng các công ty Mỹ trong diện di dời sản xuất từ Trung Quốc sang.

Thông tin này bắt nguồn từ một tin trên trang Policy Times (Ấn Độ) đăng ngày 16/5. Theo đó, trang tin này khẳng định trong một cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định dời 27 nhà máy Mỹ từ Trung Quốc sang Indonesia.

Bình luận về thông tin này, ông John Campbell – Quản lý Bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills TPHCM nói: “Tôi không thực sự đồng tình với ý kiến cho rằng nhiều công ty đang có xu hướng chọn Indonesia và Thái Lan thay vì Việt Nam, vì nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng Việt Nam là sự lựa chọn hợp lý và rõ ràng nhất ở khu vực Đông Nam Á”.

Cũng theo ông John, hiện đang có rất nhiều công ty Mỹ và Nhật Bản dần rời khỏi thị trường Trung Quốc, và Việt Nam được cho là lựa chọn hàng đầu thay thế cho sự chuyển đổi này.

Đối với các công ty Nhật Bản, họ đã xuất hiện tại Việt Nam xuyên suốt 20 năm vừa qua với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất lớn. Đối với các công ty Mỹ, ngay cả từ trước cuộc chiến thương mại, chúng ta đã chứng kiến nhiều công ty, như Intel với khoản đầu tư 1 tỷ USD vào Sài Gòn, và P&G sử dụng hơn 5.000 lao động ở tình Bình Dương.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Savills, Việt Nam còn một số những yếu tố trong lĩnh vực công nghiệp cần được nâng cấp và cải thiện, như cơ sở hạ tầng, hậu cần, giá đất…

“Mặc dù đã được cải thiện rất nhiều trong vài năm qua, chi phí hậu cần ở Việt Nam vẫn đang giữ vị trí cao nhất trong khu vực châu Á. Do vậy, dù sẽ mất nhiều thời gian, chính phủ cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, giao thông… vì hiệu quả lâu dài sẽ chắc chắn khiến chi phí này giảm đi rất nhiều. Giá đất cũng đã và đang tăng nhanh trong vài năm qua do nhiều quốc gia quyết định chuyển hướng vào thị trường Việt Nam, khiến nguồn cầu tăng mạnh”, ông John nói.

Đồng quan điểm, theo CBRE, thời gian và chi phí vẫn là các yếu tố chính được xem xét. Đối với các doanh nghiệp mới hoạt động tại Việt Nam, nguồn vốn, chi phí và thời gian cho việc xây dựng một nhà xưởng tiêu chuẩn có thể sẽ cao hơn nhà xưởng được xây dựng sẵn và tích hợp các tiện ích hỗ trợ.

Nguyễn Mạnh