Đón sóng FDI rút từ Trung Quốc: Đua nhau làm BĐS công nghiệp rất nguy hiểm
Khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh quá trình đa dạng hoá địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid - 19, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội nhất để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trở nên sôi động. Báo cáo của nhiều tổ chức bất động sản công bố cho thấy, liên tục từ đầu năm 2020 đến nay với sự gia tăng yêu cầu thuê đất và nhà máy từ cả khách thuê hiện hữu lẫn khách thuê mới.
Theo CBRE, tại miền Bắc, giá chào thuê từ 65 đến 260 USD/m2/chu kỳ thuê. Tại các vùng công nghiệp miền Nam, giá chào thuê rơi vào khoảng 80 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê.
Tại tọa đàm Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới vừa diễn ra, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cũng kỳ vọng sức bật của bất động sản công nghiệp trong thời gian tới trước làn sóng rút chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra những cảnh báo nếu ồ ạt “nhảy” vào phân khúc này.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng, cùng với các phân khúc như nhà ở, văn phòng, bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng vì xu hướng dịch chuyển sản xuất, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chiến lược "Trung Quốc +1".
Tuy nhiên theo bà Thanh, nếu như đầu tư bất động sản công nghiệp trước đây hướng đến ưu đãi, thuế, giảm giá đất, thì hiện nay, bất động sản công nghiệp cần sự kết nối hạ tầng một cách đầy đủ, bao gồm sự phát triển đồng bộ từ logistics, năng suất lao động, công nghiệp phụ trợ.
“Hiện Việt Nam đang có bao nhiêu phần?", bà Hà Thu Thanh đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty Eurowindow cũng cho rằng trong nguy có cơ. Trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay Covid-19 đều tiềm ẩn cơ hội và thách thức.
Ông Hồng cho biết, Việt Nam đang chào đón xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang một cách ồ ạt tạo nên làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp. Khẳng định đây là cơ hội lớn song vị này cũng cho rằng, thị trường luôn có sự sàng lọc tự nhiên, những doanh nghiệp bất động sản làm ăn yếu kém sẽ khó “trụ" và bị loại bỏ.
Nêu quan điểm về xu hướng đón làn sóng FDI rút khỏi Trung Quốc, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng: Nhiều người nói bất động sản công nghiệp sẽ là xu thế, được hưởng lợi. Nhưng nhà nhà đua nhau làm như kiểu “trăm hoa đua nở" là rất nguy hiểm.
Theo vị này, bất động sản công nghiệp không đơn thuần chỉ là đơn thuần mỗi nhà xưởng, mà phải có một quần thể, những hạ tầng đi kèm như nhà ở cho công nhân... “Không cẩn thận lúc đó lại phải đi giải cứu", ông Quyết nhận định.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chia sẻ thêm, ở nhóm bất động sản công nghiệp, hiện cả nước có 550 khu công nghiệp, đang hoạt động khoảng 326, trong đó lấp đầy là khoảng 60%. Như vậy theo chuyên gia, có tình trạng “chỗ nào thừa vẫn thừa mà chỗ nào thiếu vẫn thiếu".
Trước đó, khi nhận định về cơ hội bất động sản công nghiệp trước làn sóng FDI rút khỏi Trung Quốc, chuyên gia Savills cũng từng cho biết, Việt Nam còn một số những yếu tố trong lĩnh vực công nghiệp cần được nâng cấp và cải thiện, như cơ sở hạ tầng, hậu cần, giá đất…
Nguyễn Mạnh