Đồng Nai: Khó thu hồi hàng nghìn ha đất vì... "sốt ảo"
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2020 diện tích thu hồi thêm cho 145 dự án mới lên tới hơn 700 ha. Trong đó, có 10 dự án thu hồi diện tích đất khá lớn, quy mô từ 18 - 33 ha. Tính cả các dự án đang triển khai thì tổng diện tích đất tỉnh Đồng Nai cần phải thu hồi là hơn 18.000 ha để triển khai cho khoảng 1.175 dự án.
Khó khăn vì quy mô lớn
Các dự án dự kiến sẽ thu hồi đất thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó, hơn 60% các dự án phải thu hồi đất thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật gồm: Đường giao thông, khu dân cư, công trình thủy lợi. Đáng chú ý, phần lớn diện tích đất phải thu hồi nằm trên địa bàn TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu.
Theo đó, TP Biên Hòa là địa phương dẫn đầu về số lượng dự án phải thu hồi đất trong năm 2020 với 215 dự án, diện tích cần thu hồi 677 ha, huyện Nhơn Trạch có 170 dự án cần phải thu hồi 4.031 ha đất (bao gồm các dự án chuyển tiếp). Với huyện Long Thành, ngoài 2 dự án lớn của quốc gia (sân bay Long Thành, cao tốc Phan Thiết - Giầu Giây) huyện này còn phải thu hồi hàng ngàn ha đất cho 115 dự án khác.
Trao đổi với phóng viên DĐDN, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện nay Đồng Nai đang dồn sức cho các dự án, đặc biệt là giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là dự án ưu tiên hàng đầu không chỉ bởi là đại dự án trọng điểm quốc gia mà còn ảnh hưởng tới sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân trong vùng bị giải toả.
Theo ông Dũng, đến nay khu vực ưu tiên thu hồi 1.810 ha đất cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được thực hiện gần hoàn thành. Gần 18 ha chưa đo đạc, kiểm đếm tại huyện Long Thành đang được tăng cường lực lượng để sớm hoàn thành. Đối với 3.190 ha ở các khu vực còn lại tỉnh Đồng Nai đã đo đạc, kiểm đếm được hơn 400 ha.
"Ngoài ra, một dự án trọng điểm khác cũng được tỉnh Đồng Nai căng sức thực hiện là đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây" – ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, trong danh mục 145 dự án mới thu hồi trong năm 2020, có 61 dự án sử dụng đất trồng lúa. Theo đánh giá của địa phương này thì diện tích đất trồng lúa là hơn 113 ha. Tuy nhiên, các dự án sử dụng đất lúa rất ít, quy mô dự án nhỏ nên việc chuyển đổi để triển khai dự án thuận lợi hơn.
Điểm qua danh mục các dự án có diện tích đất phải thu hồi lớn có thể kể ra như: Các dự án nạo vét Rạch Đông (hơn 33 ha), Khu dân cư Tân An (hơn 23 ha) thuộc huyện Vĩnh Cửu; các dự án Khu dân cư quy hoạch ở xã Long Tân (30 ha), Khu dân cư đô thị Lành Mạnh xã Vĩnh Thanh (29 ha), Khu dân cư đô thị ở xã Long Tân (29 ha), Khu dân cư đô thị mới ở xã Long Tân - Phú Hội (22 ha) thuộc huyện Nhơn Trạch.
Các dự án Khu tái định cư Long Phước (32 ha), Khu tái định cư Long Đức (30 ha), đường 25C - đoạn từ quốc lộ 51 đến hương lộ 19 (21 ha) thuộc huyện Long Thành; các dự án đường ven sông Đồng Nai - đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu (18 ha), đường trung tâm TP Biên Hòa - đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (27 ha) thuộc TP Biên Hoà…
Đã lường trước… nhưng vẫn khó khăn
Trao đổi với PV, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai khẳng định: Danh mục các dự án phải thu hồi đất trong năm 2020 đều phù hợp các quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Trước khi phê duyệt, các dự án trên rà soát kỹ với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải được bố trí vốn mới đưa vào danh mục thu hồi đất. Do đó, các dự án có trong danh mục thu hồi đất sẽ không lo thiếu vốn để triển khai.
Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất đai của Đồng Nai sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Đặc biệt, những kiến nghị của người dân chưa mang tính đồng thuận và chủ yếu là giá bồi thường thấp hơn giá chuyển nhượng trên thị trường.
Mặt khác, qua các cơn sốt giá đất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang ở mức cao hơn giá thực tế. Nhiều khu vực khi vừa có thông tin triển khai dự án, đặc biệt là dự án giao thông, giá đất lập tức được đẩy lên khá cao đã tạo nên cơn “sốt ảo” khiến cho việc thu hồi đất để triển khai dự án càng khó khăn hơn.
Theo tìm hiểu của PV thông qua các đơn vị môi giới bất động sản thì giá đất ở một số khu vực có dự án đều đang ở mức cao.
Cụ thể, đất nông nghiệp giao dịch trên thị trường từ 4 đến 10 triệu đồng/m2, đất ở từ 20 đến 100 triệu đồng/m2 (tùy từng vị trí, dự án). Trong khi đó giá đất bồi thường thấp hơn khá nhiều so với giá thị trường.
Trao đổi với PV DĐDN, ông Huỳnh Tấn Lộc - Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết: Giá đất tại TP Biên Hòa thời gian qua tăng rất cao do đó các dự án phải thu hồi đất của người dân thường gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
"Không ít dự án trọng điểm của Biên Hoà vì vướng mắc khâu bồi thường mà kéo dài tiến độ mấy năm liền chưa hoàn thành. Đơn cử như các dự án bờ kè sông Cái, nạo vét suối Chùa, Bà Lúa... Giá đất trong cơn “sốt” nên việc tính toán giá đất bồi thường gặp trở ngại và rất khó để xây dựng giá đất bằng với giá thị trường" – ông Lộc chia sẻ.
Cũng theo ông Lộc, một khó khăn nữa là việc bố trí tái định cư cho những hộ dân bị giải tỏa trắng vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, tỉnh Đồng Nai buộc phải đầu tư xây dựng khu tái định cư trước rồi mới tiến hành bồi thường thu hồi đất của người dân. Không ít dự án còn phải làm tái định cư chồng tái định cư.
"Do thiếu quỹ đất sạch xây dựng khu tái định cư nên một số dự án phải thu hồi đất của dân trong khu tái định cư và lại phải bố trí tái định cư cho những hộ này. Đặc biệt là ở Dự án giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành" – ông Lộc nói.