Dự kiến 4 tháng nữa, "siêu cầu" vượt sông Hồng 16.000 tỷ mà công ty Him Lam xin dừng nghiên cứu, nối 2 quận trung tâm Thủ đô với sân bay sẽ được khởi công

Dự kiến 4 tháng nữa, "siêu cầu" vượt sông Hồng 16.000 tỷ mà công ty Him Lam xin dừng nghiên cứu, nối 2 quận trung tâm Thủ đô với sân bay sẽ được khởi công - Ảnh 1

Ảnh: Ngọc Đẹp

Theo thông tin mới nhất từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, cầu Trần Hưng Đạo dự kiến khởi công vào tháng 5/2025.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo có một đầu nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, đầu còn lại bên quận Long Biên.

Điểm đầu dự án tại ngã 5 phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm) và điểm cuối tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A - đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên).

Về vị trí xây dựng, phía quận Hoàn Kiếm, dự án cầu Trần Hưng Đạo đi qua phần lớn phố Vạn Kiếp, nằm gần với bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Còn phía quận Long Biên, tại đoạn gần sông Hồng cầu Trần Hưng Đạo nằm tiếp giáp với khu dân cư. Bên cạnh đó, đường nối cầu Trần Hưng Đạo tới đường Nguyễn Văn Linh sẽ nằm giữa hồ Lâm Du và sân bay Gia Lâm.

Dự án sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.000 tỷ đồng. Công trình được xây dựng vĩnh cửu với chiều dài toàn tuyến khoảng 5,6 km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp, 2 làn đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h.

Các cầu nhánh trong nút giao có bề rộng từ 7 đến 9m. Các nút giao trên tuyến được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh gồm: Nút giao phía quận Hoàn Kiếm (giao với đường đê Hữu Hồng, Trần Hưng Đạo), nút giao với đường Cổ Linh, nút giao với đường Nguyễn Sơn và nút giao với đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên).

Dự án được triển khai theo 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 sẽ là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa bàn 3 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Long Biên. Dự án thành phần 2 bao gồm đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và đường dẫn hai đầu cầu; đầu tư xây dựng tuyến đường từ nút giao Cổ Linh đến điểm cuối dự án tại phố Vũ Đức Thận (phường Gia Thụy, quận Long Biên).

Về nguồn vốn đầu tư dự án, Ban Giao thông đề xuất thành phố sử dụng vốn đầu tư công thực hiện dự án thành phần 1. Dự án thành phần 2 triển khai theo hình thức hợp đồng PPP (đối tác công - tư), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tỷ lệ sử dụng 50% vốn ngân sách địa phương và đưa vào danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố.

Trước đó, CTCP Him Lam là đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo . Tuy nhiên, hồi cuối tháng 9/2024, công ty Him Lam đã xin dừng công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo .

Cầu Trần Hưng Đạo khi được xây dựng và hoàn thiện sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối hai bờ sông Hồng, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giảm thiểu ùn tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô…