Dù nợ nần nhưng Novaland vẫn đang có những chuyển biến tích cực ra sao?
Novaland đang vay nợ ra sao?
Về áp lực tài chính, tính đến ngày 30/6/2024, tổng số nợ vay và nợ trái phiếu của Novaland ở mức 59.215 tỷ đồng, tăng khoảng 1.500 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, công ty có gần 38.400 tỷ đồng nợ từ phát hành trái phiếu, 3.150 tỷ đồng nợ vay từ các định chế tài chính nước ngoài; 7.552 tỷ đồng vay các ngân hàng trong nước; hơn 7.000 tỷ đồng vay từ các chủ nợ nước ngoài và hơn 3.000 tỷ đồng vay từ các bên khác.
Tính đến thời điểm kiểm toán báo cáo tài chính, Novaland mới chỉ thanh toán được 650 tỷ đồng trên dư nợ gốc.
Theo công bố thông tin bất thường về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tính đến ngày 19/9, Novaland phải trả gốc, lãi cho lô trái phiếu NVLH2123009 tổng cộng hơn 800 tỷ đồng (trong đó hơn 750 tỷ đồng nợ gốc và hơn 50 tỷ đồng tiền lãi).
Trong đó hơn 800 tỷ đồng nợ gốc, lãi trái phiếu thì Novaland mới thanh toán vỏn vẹn hơn 100 triệu đồng (77,7 triệu đồng từ gốc trái phiếu). Được biết, giá trị này được thanh toán bằng quyền tài sản phát sinh từ khoản phải thu.
Trước đó, vào ngày 16/9, Novaland cũng công bố chậm trả hơn 173 tỷ đồng gốc và lãi trái phiếu của lô NVLH22240006. Như vậy, chỉ riêng tháng 9, Novaland đã công bố chậm trả 1.080 tỷ đồng trái phiếu bao gồm cả gốc và lãi.
Novaland cho biết, đang tiếp tục rà soát lại tài chính đề tìm phương án đàm phán với trái chủ về việc gia hạn trái phiếu. Theo đó, các chủ nợ vẫn sẵn sàng thương thảo về việc chấp thuận gia hạn và cho phép Tập đoàn thời gian để khắc phục
Bên cạnh đó, các đối tác của Novaland, nhiều ngân hàng, các nhà thầu thi công… đã quay trở lại, tiếp tục đồng hành, phát triển dự án đúng cam kết với người mua nhà. Rất nhiều các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có niềm tin đối với Novaland và quay trở lại tài trợ vốn cho dự án với tổng hạn mức tín dụng được cấp lên đến 12.100 tỷ đồng.
Ông Bùi Thành Nhơn và các cổ đông lớn cam kết "bơm tiền" cho Novaland để duy trì hoạt động
Trước những nghi ngại của đơn vị kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục, Novaland khẳng định đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo dòng tiền và duy trì hoạt động của tập đoàn trong thời gian tới.
Đáng chú ý, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT và các cổ đông lớn khác đã ký cam kết hỗ trợ tài chính cho Novaland vào ngày 25/9 và 21/9/2024. Theo đó, ông Nhơn và các cổ đông lớn này sẽ sẵn sàng hỗ trợ tài chính khi cần thiết, giúp Novaland thanh toán các khoản nợ đến hạn và duy trì hoạt động liên tục trong ít nhất 12 tháng kể từ ngày báo cáo tài chính hợp nhất bán niên được phê chuẩn.
Bên cạnh nỗ lực phối hợp cùng Tổ công tác của Chính phủ để gỡ pháp lý, cùng sự đồng hành của các đối tác tài chính và xây dựng, các dự án trọng điểm như NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Aqua City (Đồng Nai) thì các dự án này đều đang được triển khai thi công trở lại. Được biết, các dự án này đều nằm trong danh sách ưu tiên tháo gỡ thủ tục pháp lý của cơ quan chức năng.
Gần đây nhất, dự án Aqua City lần nữa "nổi" lên vì bị Công an yêu cầu xác minh và phía doanh nghiệp cũng đã lên tiếng. Đại diện Novaland cho biết: "Dưới áp lực khó khăn về tài chính kéo dài, một số ít khách hàng không đủ kiên nhẫn đồng hành cùng Novaland và đã không chọn cách thức giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự, thay vào đó gửi đơn đến các cơ quan chức năng, trong đó có Công an TP.HCM".
Tuy nhiên, điểm sáng với dự án Aqua City là vào ngày 10/9 vừa qua, siêu dự án này được MBBank "bơm" 1.100 tỷ đồng để đảm bảo triển khai đồng bộ dự án.
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, Aqua City bàn giao khoảng 900 nhà phố, biệt thự, shophouse và đưa vào vận hành các công trình tiện ích thể thao, mua sắm, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe phục vụ cư dân.
Ngoài ra, Novaland cũng thông tin đang dựa vào Luật Đất đai, Luật Nhà ở mới để xác định giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất của dự án NovaWord Phan Thiết. Đồng thời, Khu đô thị Cù Lao Phước Hưng cũng sẽ tái khởi động san lấp và xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.