Đưa quyền lợi người dân lên hàng đầu khi triển khai 5 dự án BOT

Đây là ý kiến được đại biểu đưa ra tại Hội nghị phản biện xã hội đối với 5 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT) theo Nghị quyết 98 của Quốc hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức chiều 20/12.

Nâng cấp đường trục Bắc Nam (đoạn nút giao Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An và Xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) là 5 dự án BOT được bàn luận, với 21 ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Đưa quyền lợi người dân lên hàng đầu khi triển khai 5 dự án BOT - Ảnh 1

Toàn cảnh hội nghị

Bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp

Tại Hội nghị, đa số các đại diện từ các quận huyện, ban ngành cho rằng, nên đặt lợi ích người người dân lên hàng đầu trong công tác đầu tư xây dựng các dự án BOT. Trong đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư được đề cập xuyên suốt.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM cho rằng, cần nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo đó, các dự án cần đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng bởi công tác thi công và khi ban hành các quyết định bồi thường mặt bằng thì quyền lợi của các hộ gia đình và doanh nghiệp trong phạm vi thi công phải được bảo vệ tối đa.

“Tôi đề nghị cơ quan ban ngành phối hợp xem xét cân nhắc các yếu tố bồi thường giải phóng mặt bằng và điều chỉnh phân luồng giao thông khi xây dựng kế hoạch thi công, bảo đảm công tác triển khai thi công dự án đạt hiệu quả tích cực để bảo vệ tối đa quyền lợi của các hộ gia đình và doanh nghiệp, cá nhân trong phạm vi thi công và tình hình trật tự giao thông trên địa bàn thành phố”, Luật sư Hậu nói.

Đưa quyền lợi người dân lên hàng đầu khi triển khai 5 dự án BOT - Ảnh 2

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP. HCM phát biểu tại hội nghị phản biện xã hội đối với 5 dự án BOT

Luật sư Hậu cho biết thêm, trình tự bồi thường giải phóng mặt bằng nếu căn cứ vào Luật Đất đai mới năm 202, cần phân loại theo các giai đoạn mà Luật quy định. Theo đó, tại Quyết định 79/2024 của UBND TP.HCM công bố bảng giá đất mới, thì giá đất mới được áp dụng cao hơn giá đất trước đó nhiều lần. Do vậy, ông cho rằng, nếu đối chiếu với Điều 257 của Luật Đất đai 2024, việc không áp dụng giá đất mới làm cơ sở tính bồi thường giải phóng mặt bằng mà không đưa ra một cơ sở pháp lý rõ ràng nào sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân .

Ngoài ra, vấn đề hỗ trợ tái định cư cho người dân cũng được quan tâm, góp ý. Ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng Ban Bồi thường Hỗ trợ tái định cư - Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đề nghị, nên tách những dự án hỗ trợ tái định cư thành các dự án độc lập để triển khai trước.

"Cần đánh giá lại việc chuẩn bị các điều kiện cần và đủ khi thực hiện các công tác bồi thường tái định cư. Chuẩn bị đủ quỹ nhà ở, đất ở là yêu cầu bắt buộc, phải đảm bảo cuộc sống, nhà ở của người dân bằng và tốt hơn", ông Thơ góp ý.

Đưa quyền lợi người dân lên hàng đầu khi triển khai 5 dự án BOT - Ảnh 3

Ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng Ban Bồi thường Hỗ trợ tái định cư Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM nêu ý kiến

Tiếp thu các góp ý của nhân dân

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, nên hạn chế thấp nhất vấn đề giải tỏa, chỉ giải tỏa đủ để thực hiện quy mô cần thiết, nhằm giảm chi phí và giảm thời gian, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân . Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng đề xuất mở rộng các làn đường trên cao. Từ đó, tiến hành thu phí đối với các phương tiện có nhu cầu lưu thông phía trên, còn tuyến đường bên dưới miễn phí để người dân đi lại thuận tiện. Theo ông, việc thu phí ở một số cửa ngõ là không cần thiết, nên hạn chế để đạt được sự đồng thuận của người dân TP.HCM.

Trả lời các góp ý của các đại biểu cũng như đại diện các sở, ban, ngành, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, đã nỗ lực trong công tác lấy ý kiến các địa phương trong vấn đề bồi thường . Đồng thời, Sở đã đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường TP rà soát từng dự án , cẩn trọng trong công tác bồi thường chi phí mặt bằng cho các hộ dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng.

Đưa quyền lợi người dân lên hàng đầu khi triển khai 5 dự án BOT - Ảnh 4

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Sở Xây dựng và các địa phương để chuẩn bị cho việc tái định cư, đưa vào trong phương án này, tiếp tục làm việc sâu thêm với Sở Tài nguyên Môi trường và các quận-huyện về chuyên đề giải phóng mặt bằng. Chúng ta có bài học rồi, làm sao áp dụng cơ chế chính sách tốt nhất cho người dân , chuẩn bị tốt nhất quỹ tái định cư thì sẽ thực hiện được”, ông Lâm khẳng định.

Ông Lâm cũng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, khẩn trương có báo cáo cụ thể với Mặt trận Tổ quốc TP.HCM và nhanh chóng hoàn chỉnh các hồ sơ liên quan trình Hội đồng nhân dân TP. Ngoài ra, ông mong rằng tiếp tục nhận được nhiều đóng góp của các chuyên gia và nhận được sự đồng thuận của người dân trong công tác xây dựng triển khai 5 dự án BOT trong thời gian tới.