FED giảm lãi suất: cơ hội vàng cho thị trường bất động sản Việt Nam?
FED giảm lãi suất mở ra cơ hội vay vốn bất động sản
Theo chuyên gia, khi FED giảm lãi suất, thông thường các ngân hàng thương mại sẽ có xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Điều này trực tiếp tác động đến chi phí vay vốn của các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Với lãi suất vay thấp hơn, nhu cầu mua nhà và đầu tư vào bất động sản sẽ tăng lên đáng kể.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, việc FED hạ lãi suất trong ngắn hạn sẽ tác động 2 mặt đến nền kinh tế Việt Nam, tích cực sẽ nhiều hơn.
Đơn cử là đồng USD sẽ yếu đi và áp lực về tỷ giá VND/USD sẽ giảm, tạo điều kiện giữ ổn định tỷ giá đồng VND sẽ thuận lợi hơn. Trên cơ sở này, hoạt động kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng có thể mở ra thêm cơ hội mới.
Đáng chú ý, lãi suất giảm tạo động lực kéo theo tín dụng mua nhà, sửa nhà sẽ có điều kiện phục hồi trở lại. Quan trọng hơn, không chỉ vấn đề về giá vốn vay đã rẻ hơn mà kỳ vọng thu nhập khả dụng tăng lên đảm bảo khả năng trả nợ sẽ là yếu tố kích thích người dân “xuống tiền”.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho rằng: Việc FED giảm lãi suất đang tác động đến tâm lý của nhà đầu tư và người mua nhà. Họ sẽ thấy điều này đang có lợi cho họ vì chi phí vốn giảm đi nhiều hơn so với trước đó.
Trên thực tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đi lùi, có thời điểm giảm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực. Tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tuy có tích cực hơn nhưng khó chạm được mức mục tiêu tín dụng là 15%.
Việc FED giảm lãi suất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu về nhà ở, văn phòng, nhà xưởng sẽ tăng lên, kéo theo sự sôi động của thị trường bất động sản.
Theo ông Hiếu, việc giảm lãi suất này thì phân phúc bất động sản nào cũng sẽ được hưởng lợi. Nhưng hưởng lợi nhiều nhất có thể là phân phúc nhà ở, nhà ở xã hội dành cho người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Điều này giúp họ có khả năng tiếp cận những gói vay ưu đãi.
... trong "cơ" có "nguy"
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế chia sẻ: "Với người dân, đấy có thể là thời điểm vàng để họ nhảy vào kênh bất động sản như một kênh đầu tư sinh lời nhanh".
Chính điều này sẽ có khả năng hình thành "bong bóng bất động sản". Khi cầu tăng quá nhanh trong thời gian ngắn sẽ khiến cầu cao hơn cung dẫn đến việc giá nhà có thể tăng quá nóng, tạo ra hiện tượng "bong bóng bất động sản".
Để ngăn chặn hiện tượng này xuất hiện bong bóng bất động sản, ông Nghĩa đề xuất các cơ quan quản lý cần có những biện pháp đồng bộ và hiệu quả.
Trước hết, cần siết chặt quản lý tín dụng, hạn chế cho vay quá mức vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là đối với những người mua nhà đầu tiên. Thứ hai, tăng cường công khai thông tin về thị trường bất động sản, giúp người dân đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt.
Thứ ba, phát triển thị trường cho thuê, giảm áp lực lên thị trường mua bán. Cuối cùng, đa dạng hóa kênh đầu tư, khuyến khích người dân đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, vàng...
Thị trường bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI
Bên cạnh việc kích thích nhu cầu mua nhà của người dân trong nước, việc giảm lãi suất cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê tính đến hết 31/8 vừa qua, vốn đăng ký cấp mới có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng gấp 5 lần cùng kỳ và chiếm 20% tổng nguồn vốn mới.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và điều chỉnh, FDI đăng ký vào bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, cao gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản cũng lên tới 1,27 tỷ USD, gấp 2 lần so với 8 tháng của năm ngoái và chiếm 9% tổng vốn FDI thực hiện.