Gần 1.000m2 đất công sản đang được cho thuê với giá... 0 đồng?!
Đất mặt tiền "dát vàng" đang cho thuê... 0 đồng
Cuối năm 2018, Bộ Nội vụ đã có liền 2 công văn số 5882/BNV-KHTC và 5883/BNV-KHTC gửi Bộ Tài chính, UBND TPHCM đề nghị hỗ trợ thu hồi 950m2 đất công sản tại góc đường 3-2 giao với Cao Thắng (quận 10, TPHCM).
Theo Bộ Nội vụ, diện tích đất công sản ở vị trí trên là một phần trong tổng diện tích 39.607m2 thuộc phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM (địa chỉ số 10 đường 3-2, quận 10, TPHCM).
Năm 2001, Học viện Hành chính Quốc gia (thời điểm đó là cơ quan thuộc Chính phủ) đưa 950m2 đất trong khuôn viên đất nói trên vào liên kết với Công ty cổ phần Duy Tân để khai thác bổ sung nguồn thu phục vụ hoạt động sự nghiệp theo Hợp đồng Hợp tác đầu tư xây dựng, khai thác và chuyển giao số 01/HĐHT ngày 9/1/2001.
Thời gian hợp tác kinh doanh của hợp đồng này là 10 năm. Bên cho thuê giao khoán cho bên thuê số tiền định mức hàng năm phải nộp là 360 triệu đồng (30 triệu đồng/tháng).
Theo Bộ Nội vụ, việc cho thuê quyền sử dụng đất tại thời điểm năm 2002 là không đủ cơ sở thực hiện theo quy định tại Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước.
Quá trình thực hiện Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước vào năm 2012, trùng với thời điểm kết thúc thời hạn cho thuê 10 năm theo Hợp đồng 01/HĐHT, Bộ Tài chính và Tổ Công tác của Ban chỉ đạo 09 TPHCM đã yêu cầu Học viện Hành chính Quốc gia (lúc đó là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) thu hồi diện tích đất cho thuê, đảm bảo sử dụng đất trụ sở đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
Thực hiện ý kiến của Ban Chỉ đạo 09 TPHCM và các cơ quan chức năng, từ năm 2012, Học viện Hành chính Quốc gia đã bằng nhiều biện pháp nhằm thu hồi diện tích đất cho thuê nói trên nhưng phía đối tác là Công ty cổ phần Duy Tân chưa trao trả.
Ngoài ra, phía công ty Duy Tân đưa ra bản chụp Hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng số 04/HVHCQG ngày 27/8/2002. Hợp đồng 04 có thời hạn thuê đất lên đến 20 năm (từ năm 2002 đến năm 2022), gấp đôi thời gian thuê so với Hợp đồng 01 (10 năm). Với hợp đồng 04, Công ty Duy Tân lấy làm lý do để không bàn giao diện tích đất đang thuê theo yêu cầu của Học viện.
Điều trớ trêu là đến thời điểm này, Bộ Nội vụ cho biết không có bản gốc Hợp đồng số 04/HVHCQG. Học viện Hành chính Quốc gia cũng khẳng định Hợp đồng 04/HVHCQG không có trong hồ sơ lưu trữ của Học viện.
"Ngay khi tiếp nhận Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ đã quyết liệt chỉ đạo Học viện thu hồi diện tích đất bị chiếm giữ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đạt kết quả do phía Công ty cổ phần Duy Tân cố tình không hợp tác", văn bản do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nêu rõ.
Gỡ nút thắt: Hợp đồng 04/HVHCQG
Trong tờ trình số 1578/TTr-HCQG gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, quá trình đề nghị thu hồi đất và tài sản mà Công ty Duy Tân kinh doanh trên đất của Phân viện diễn ra từ lâu nhưng chưa giải quyết được.
Ngày 2/5/2018, Phân viện đã có công văn số 25/CV-HCQG gửi công ty Duy Tân yêu cầu bàn giao khu đất đang chiếm giữ và sử dụng trái pháp luật. Thời gian bàn giao chậm nhất là ngày 30/5/2018.
Ngày 11/6/2018, Phân viện họp với đại diện công ty Duy Tân về "số phận" khu đất 950m2. Mặc dù đại diện công ty ghi nhận thông tin và sẽ báo cáo Hội đồng Quản trị và cùng nhau giải quyết thiện chí nhưng đến nay, việc bàn giao mặt bằng vẫn "giẫm chân tại chỗ".
Ngày 18/7/2018, lãnh đạo hai bên đã ngồi lại với nhau để giải quyết hợp đồng số 01/HĐHT thì phía Duy Tân có nêu thêm Hợp đồng 04/HVHCQG với thời hạn đến năm 2022.
Để xác minh tính đúng đắn và hợp pháp của Hợp đồng 04, phía Học viện đề nghị công ty Duy Tân cung cấp lại cho Học viện bản chính hoặc bản sao có công chứng nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được.
Trong các công văn gửi qua - lại, Học viện gia hạn đến ngày 30/9/2019, Duy Tân phải thực hiện bàn giao đất và tài sản. Tuy nhiên, phía Duy Tân lại cho rằng việc bàn giao ở thời điểm theo yêu cầu của Học viện là "bất khả thi".
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM cho biết, học viện đã chấm dứt việc nhận tiền thuê mà Duy Tân chi trả trước khi kết thúc Hợp đồng 01 vài tháng. Hiện nay, Học viện không thu tiền.
Trong khi học viện đang thiếu mặt bằng để chỉnh trang lại cơ sở vật chất (như trung tâm ngoại ngữ, tin học) của Học viện tại TPHCM theo sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ thì mặt bằng 950m2 vẫn được đối tác cho các đơn vị khác kinh doanh khai thác làm phòng khám nha khoa, nhà sách, cửa hàng thời trang, cửa hàng Nhật Bản... mặc dù khoản thu từ việc cho thuê mặt bằng đã dừng từ lâu.
Hợp đồng 04/HVHCQG ký vào năm 2002, chỉ 1 năm sau khi ký Hợp đồng 01/HĐHT, với các điều khản tương tự, chỉ khác thời gian thực hiện hợp đồng thay đổi từ 10 năm lên 20 năm. Tuy nhiên, hợp đồng 04 lại không thể hiện là một phần không tách rời hay kế tục của hợp đồng 01...
Trao đổi với PV Dân trí về việc trên, ông Lê Tự Vượng, đại diện phía công ty Duy Tân cho biết sự việc đã được hai bên nắm rõ và đang tiến hành giải quyết ở các cấp.
Ông Vượng khẳng định hợp đồng 04/HVHCQG là có nhưng khi PV đề nghị được xem bản chính của hợp đồng này thì ông Vượng cho biết hiện không giữ nên không thể cung cấp.
Ông Vượng cũng cho biết, việc thanh toán tiền thuê mặt bằng kéo dài đến năm 2012. Sau năm 2012, công ty Duy Tân có nộp tiền nhưng học viện không thu.
"Nếu Học viện thu hồi mặt bằng thì chúng tôi sẵn sàng trả lại nhưng phải theo lộ trình và quy định của pháp luật", ông Vượng nói.
Trong khi đó, một thành viên Hội đồng Quản trị công ty Duy Tân cho rằng, hợp đồng giả hay thật, lưu hồ sơ như thế nào thì cứ để cơ quan chức năng làm rõ trên cơ sở sai đến đâu, xử đến đó và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.
Công Quang