Giá bất động sản Việt Nam tăng vượt cả Mỹ, Nhật Bản

Đó là thông tin được ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn thông tin tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam - VRES 2024 sáng 3/12.

Ông Quốc Anh phân tích, kinh tế, quản lý và xã hội là ba yếu tố chính tác động đến giá bất động sản Việt Nam.

“Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế đầu người, lạm phát mạnh mẽ. Đồng thời, môi trường lãi suất và hiệu quả đầu tư các kênh trong nước đều củng cố nhu cầu mua bất động sản của người tiêu dùng”, ông Quốc Anh nói.

Giá bất động sản Việt Nam tăng vượt cả Mỹ, Nhật Bản - Ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn.

Theo ông Quốc Anh, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện ở mức 34,8%, cao hơn trung bình thế giới (20,8%) và các nước đang phát triển (22%). Mặt khác, lạm phát tại Việt Nam cũng ở mức cao hơn so với trung bình các nước. Hiện tại, môi trường lãi suất ở Việt Nam đang dần trở về mức thuận lợi hơn và tỷ trọng tài sản tích trữ trong GDP của Việt Nam khá cao (32,8%), đứng thứ 27 trên thế giới (trung bình 27,1%).

Với lượng tiền tích trữ, người Việt Nam có một số kênh đầu tư chính như thị trường tài chính, bất động sản, vàng, ngoại tệ và gửi tiết kiệm. Trong khi kênh đầu tư vàng nhiều biến động, rủi ro và có chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, kênh ngoại tệ và gửi tiết kiệm có lợi suất ở mức khá thấp, trong khoảng 5- 6%/năm.

“Bất động sản được đánh giá là kênh đầu tư có lợi suất tốt nhất tại Việt Nam trong 10 năm qua với tỷ suất lợi nhuận của loại hình chung cư đạt 197% và đất nền đạt 137% vào quý 4/2024 so với quý I/2015”, ông Quốc Anh nói.

Kỳ vọng về sở hữu bất động sản

Theo ông Quốc Anh, dân số và tốc độ đô thị hóa của Việt Nam cho thấy nhiều cơ hội cho tăng trưởng nhu cầu bất động sản. Xu hướng gia đình nhỏ hơn cũng thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản cho thế hệ sau thừa kế và hành trình tự sở hữu nhà của người trẻ. Ngoài ra, về mặt văn hóa, người Việt Nam có nguyện vọng lớn với việc sở hữu bất động sản trong đời.

Ông Quốc Anh tính, thời điểm năm 2004, một cá nhân thuộc thế hệ 7x mất khoảng 31,3 năm thu nhập để mua được một căn chung cư (60m2) giá 0,6 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 7,4%. Sau 10 năm, số năm thu nhập để một cá nhân thuộc thế hệ 8x mua được căn hộ như trên là 22,7 năm. Giá căn hộ đã tăng lên 1,5 tỷ đồng trong khi lãi suất huy động giảm còn 6%.

Đến năm 2024, một cá nhân 9x cần 25,8 năm thu nhập để mua căn hộ trên (giá 3 tỷ đồng) trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%. Tuy số năm thu nhập và lãi suất đã giảm dần theo thời gian nhưng nhìn chung, người trẻ thuộc các thế hệ vẫn cần nỗ lực trong thời gian dài mới có thể tự sở hữu nhà.

"Dù vậy, người Việt Nam nói riêng và người Châu Á nói chung vẫn kỳ vọng cao về việc sở hữu bất động sản trong đời, với các lý do phổ biến gồm lợi suất cao và ổn định, thị trường tài chính chưa phát triển, sự công nhận từ xã hội và tài sản - nơi sinh sống cho gia đình. Đáng chú ý, Việt Nam lọt top quốc gia có tỷ lệ tỷ lệ sở hữu bất động sản cao nhất thế giới với 90%, cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore (88%), Indonesia (84%) và cao hơn Mỹ (66%), Úc (66%)...", ông Quốc Anh cho hay.

Năm 2025, bất động sản tiếp tục “tăng nhiệt”

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh thời gian qua, Chính phủ đã liên tục có những thông điệp rất mạnh mẽ, để yêu cầu các cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ khó khăn thực sự cho các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua tăng tốc đầu tư công, đô thị hóa, tạo sự cân bằng cho thị trường.

Trong thời gian tới, nếu các yếu tố như chính sách pháp lý, tài chính và đầu tư công tiếp tục được cải thiện, thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục “tăng nhiệt” trong năm 2025 - khi hàng lang pháp lý mới chính thức đi vào cuộc sống và các chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án.

“Các yếu tố trên được cải thiện, nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục được thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho thị trường bất động sản phát triển thông qua hoạt động M&A theo hướng góp gạo thổi cơm chung,” ông Đính nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cũng nhận định thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và điều tiết thị trường, bảo đảm sự ổn định và phát triển đúng hướng.

“Do vậy, nhiều phân khúc bất động sản dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận sự phục hồi, trong đó căn hộ cao cấp sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường; biệt thự, liền kề sẽ trở nên sôi động. Bên cạnh đó, đất nền và pháp lý thông thoáng sẽ thu hút nhà đầu tư và nhà ở xã hội sẽ có thêm cơ hội sôi động trở lại. Ngoài ra, bất động sản công nghiệp tăng trưởng, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ có cơ hội cải thiện nhờ vào việc condotel được cấp sổ,” ông Đính nói.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cũng nhận định thị trường bất động sản hiện nay đã có nhiều điểm thay đổi tích cực hơn so với trước đây. Cụ thể, kinh tế vĩ mô đã bước vào thời kỳ ổn định, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất tại Việt Nam duy trì ở mức thấp; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ,... trong ngưỡng Quốc hội cho phép.

Bên cạnh đó, các vướng mắc về pháp lý cũng đã dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện (nhiều luật liên quan được thông qua và có hiệu lực; nhiều nghị định, chính sách được ban hành); quy hoạch các cấp được hoàn thiện.

Theo ông Lực, đây là những “trợ lực” chính làm cơ sở để thị trường bất động sản bước vào giai đoạn mới và phục hồi theo hướng bền vững hơn.