Giá dưới 10 triệu đồng/m2, nhà xã hội rẻ nhưng vẫn ế!
Tháng 1 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo tiếp nhận hồ sơ bán và cho thuê nhà ở xã hội tới lần thứ 20 của dự án Khu nhà ở xã hội (NƠXH) Bamboo Garden thuộc khu đô thị Sunny Garden City ở Quốc Oai (Hà Nội) do Công ty CP Tập đoàn CEO (CEO Group) làm chủ đầu tư.
Theo thông báo này, Khu NƠXH Bamboo Garden có 432 căn hộ nhà ở xã hội, trong đó, có 322 căn để bán và 86 căn cho thuê. Đây có lẽ là dự án mở bán nhận hồ sơ nhiều lần nhất Việt Nam.
Giá bán tạm tính căn hộ nhà ở xã hội tại dự án này là 9.960.000 đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì). Giá cho thuê là 48.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).
Dự án NƠXH AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư mới đây cũng thông báo mở bán lần thứ 12. Dự án có tổng số 1.496 căn.
Sau 11 lần bán, chủ đầu tư bán được 475 căn hộ xã hội, còn 231 căn hộ dành cho thuê mua vẫn còn. Với lần bán thứ 12, chủ đầu tư công bố đẩy ra thị trường 354 căn với giá 14.017.594 đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và 2% phí bảo trì). Dự án được bán từ năm 2015 đến nay vẫn chưa hết hàng.
Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở giá trung bình và thấp của người dân đô thị vẫn rất lớn. 70-80% người dân đô thị có nhu cầu nhà ở dưới 25 triệu đồng/m2. Nhưng số lượng căn hộ ở mức giá này chỉ chiếm 20-30% trên thị trường.
Vậy nguyên nhân căn hộ giá rẻ "ế" do đâu?
1. Xa trung tâm, thiếu kết nối hạ tầng
Đa phần các dự án đều xa trung tâm thành phố từ trên 15km. Hạ tầng quanh dự án không đồng bộ, thiếu tính kết nối. Giá đất và tiền sử dụng đất tại các khu vực gần trung tâm thành phố rất cao, các chủ đầu tư không có khả năng phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân tại các khu vực này mà phải đi ra xa trung tâm thành phố.
Trong đó, bối cảnh tắc đường vẫn là nỗi ám ảnh của người dân thành phố, các dự án xa trung tâm, giao thông chưa kết nối càng mất điểm.
Theo Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nhiều dự án nhà ở xã hội xây theo phong trào, xin đất làm dự án, nhưng không tính đến địa điểm dự án. Khi tiến hành xây dựng, cũng chỉ chú trọng xây nhà để bán, thiếu chợ, đường, trường, trạm. Việc "ế" hàng dù giá rẻ là khó tránh khỏi.
2. Thiếu gói vay ưu đãi mua nhà
Gói ưu đãi vay mua nhà trị giá 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp. Thời gian cho vay lên tới 20 năm với lãi suất cố định chỉ 5%/năm. Gói này được bắt đầu triển khai từ ngày 1/6/2013 và kết thúc vào cuối năm 2016. Nhiều người thu nhập thấp đã mua được nhà nhờ gói hỗ trợ này.
Nhưng khi gói hỗ trợ kết thúc, người mua phải vay tiền mua nhà với lãi suất thông thường trên thị trường, từ 10-12%/1 năm. Mức lãi suất này được đánh giá là quá sức với đại bộ phân người thu nhập trung bình và thấp. Hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai gói vay ưu đãi cho NƠXH, nhưng mức vốn thấp hơn nhiều so với nhu cầu vay vốn của người dân. Không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận vay vốn.
Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty Đất Xanh Miền Trung cho hay muốn nhà thu nhập thấp phát triển, phải hỗ trợ người dân vay mua với lãi suất thấp. Nếu sản phẩm làm ra không có người mua, vì người mua không đủ khả năng, sẽ dẫn đến việc hàng tồn cao.
3. Quy trình thủ tục mua nhà ở xã hội phức tạp
Để mua được nhà ở xã hội, người mua cần đáp ứng được một loạt các điều kiện sau:
- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội;
- Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.
- Phải đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội;
- Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó.
- Đối với cán bộ, công chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;
- Trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, để mua nhà ở xã hội, người mua phải chuẩn bị hàng loạt hồ sơ, xin xác nhận, bốc thăm. Chưa kể, trong vòng 5 năm, nhà ở xã hội sẽ không được phép chuyển nhượng. Quy trình với nhiều thủ tục này khiến nhiều người nản lòng, thay vì chọn nhà xã hội, chọn lựa 1 dự án nhà ở thương mại khác, giá cao hơn, nhưng thoải mái chọn lựa, chuyển nhượng.
Theo Hoàng Nga
VTV