Giá nhà cao cấp tại các thành phố thế giới giảm tốc

Báo cáo Chỉ số nhà ở cao cấp tại các thành phố thế giới của Savills (Savills World City Prime Index) vừa công bố cho thấy, tốc độ tăng giá nhà tại các thành phố trên toàn cầu đang chậm lại do tác động của yếu tố địa chính trị và biến động kinh tế.

6 tháng qua, giá nhà ở cao cấp toàn thế giới chỉ tăng khoảng 0,4%, đưa mức tăng trưởng theo năm đạt 0,7%. Mức tăng trưởng này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 5,1% theo năm tính đến tháng 6/2018.

Bà Sophie Chick, Trưởng bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của Savills nhận định, lý do khiến cho thị trường nhà ở tại các thành phố hàng đầu thế giới đang chững lại chủ yếu là do ảnh hưởng của biến động chính trị và kinh tế. Tất cả những yếu tố như: chính sách mới, chi phí vay vốn, nguồn cung tăng và sự bất ổn của kinh tế toàn cầu... đều có vai trò góp phần hãm đà tăng của giá nhà cao cấp.

Nhiều thành phố của Mỹ có giá nhà trên đà sụt giảm trong 6 tháng qua. Ảnh: Tripadvisor.com

Nhiều thành phố của Mỹ có giá nhà trên đà sụt giảm trong 6 tháng qua. Ảnh: Tripadvisor.com

Có thể chia diễn biến giá nhà cao cấp tại các thành phố trên toàn cầu thành 2 mảng sáng – tối trong 6 tháng đầu năm 2019. Điển hình của mảng sáng là Berlin và Paris ghi nhận mức tăng trưởng nổi trội nhất của phân khúc bất động sản nhà ở cao cấp, 4% trong 6 tháng đầu năm nay và 8% theo năm. Cả hai thị trường đều có nguồn cung thấp cùng với nhu cầu tăng từ người mua trong nước và quốc tế.

Sáu tháng đầu năm 2019 đã đánh dấu một bước ngoặt của các thành phố Trung Quốc khi giá nhà ở đã tăng lên sau một thời kỳ giảm kể từ tháng 6/2018. Điều này là kết quả của việc nới lỏng nhẹ chính sách hạn chế dự án nhà ở tại Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế có phần chững lại. Hong Kong vẫn là thị trường có giá nhà ở đắt nhất thế giới ở mức khoảng 50.700 USD mỗi m2, ghi nhận mức tăng 1,3%.

Xu hướng tương tự xảy ra tại Moskva khi giá nhà tại đây đã tăng khoảng 1,2% sau nhiều năm giảm khi đồng tiền Nga quay trở lại thành phố thủ đô do đồng tiền này bị giám sát chặt chẽ ở thị trường nước ngoài. Những thành phố khác tại châu Á như Kuala Lumpur và Bangkok, với giá nhà cao cấp trung bình lần lượt là 2.800 USD mỗi m2 và 9.500 USD mỗi m2, đã ghi nhận mức tăng trưởng gần 2,5% trong nửa đầu năm nay.

Ngược lại, mảng tối chính là biến động giá nhà tại Mỹ đang ngày càng kém khả quan. Nhiều thành phố tại Mỹ ghi nhận giá nhà ở giảm trong 6 tháng đầu năm 2019 do những thay đổi về thuế gần đây ảnh hưởng đến nguồn cầu, và lượng hàng tồn kho lớn, đối với trường hợp của New York và Miami.

Ngoài ra, tại Sydney và Cape Town, giá nhà ở sau 5 năm tăng mạnh đang bắt đầu giảm do khả năng chi trả bên cạnh các lý do khác làm giảm nhiệt thị trường. Giá nhà ở cao cấp tại Dubai đã giảm khoảng 20% trong 5 năm qua và hiện vẫn đang giảm do nguồn cung tại các dự án mới còn nhiều và sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Bà Sophie Chick dự báo, trong ngắn hạn, các thành phố tại châu Âu có thể tiếp tục ghi nhận mức tăng giá tốt nhờ được hưởng lợi từ Brexit vì giá nhà ở tương đối thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu.

Báo cáo của Savills nhấn mạnh, về lâu dài, sự tăng trưởng của thị trường nhà ở cao cấp tại các thành phố phụ thuộc vào sự thịnh vượng của nền kinh tế cùng với các yếu tố khác như sự ổn định chính trị và cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi.

Hà Thanh