Giá thuê khu công nghiệp ven Sài Gòn leo thang

Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố báo cáo khảo sát thị trường bất động sản khu công nghiệp phía Nam thuộc vùng TP HCM (gồm Sài Gòn và các tỉnh thành lân cận) trong quý II/2019 với tốc độ tăng giá thuê lý tưởng.

Nhu cầu thuê tăng mạnh nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang đã đẩy giá đất trung bình trong quý II/2019 lên mức mới với 95 USD mỗi m2 cho chu kỳ thuê, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Đây là biên độ tăng giá thuê rất cao đối với thị trường bất động sản công nghiệp.

Long An đang được xem là lựa chọn mới bên cạnh hai khu vực đầu tư công nghiệp truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai, ghi nhận mức tăng trưởng giá thuê cao nhất trong quý vừa qua. Hiện giá thuê đất khu công nghiệp tại Long An đứng thứ hai trong nhóm thủ phủ khu công nghiệp miền Nam, vượt qua ngưỡng 100 USD mỗi m2 cho chu kỳ thuê. Với giá thuê này, Long An xếp trên cả Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu về mặt bằng giá thuê đất khu công nghiệp. Riêng Sài Gòn, với vị thế là hạt nhân của vùng TP HCM, vẫn có giá thuê khu công nghiệp dẫn đầu với mức 162 USD mỗi m2 cho chu kỳ thuê.

Giá thuê nhà xưởng xây sẵn tại các khu công nghiệp phía Nam dao động quanh mức 3,5-5 USD mỗi m2 một tháng với thời hạn thuê tối thiểu 3-5 năm. Mức thuê này tăng nhẹ so với kỳ cập nhật hai quý trước đó, nhờ nhu cầu đối với loại hình này đang tăng mạnh.

Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt của các khu công nghiệp và khu chế xuất tại miền Nam đạt mức cao với 81%, với TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai là những địa bàn hút khách nhất bất chấp giá thuê ngày càng leo thang.

Được mệnh danh là thủ phủ công nghiệp phía Nam Việt Nam, các khu công nghiệp tại Bình Dương và Đồng Nai được săn đón nhiều nhất trong quý II/2019 nhờ nền tảng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và thủ tục hành chính được thiết lập tốt để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất.

Trong quý II/2019, miền Nam đạt tổng diện tích đất khu công nghiệp cho thuê lên đến 25.060 ha, cao gấp 2,5 lần so với miền Bắc. Do quỹ đất công nghiệp của các tỉnh phía Nam hiện đạt tỷ lệ lấp đầy cao, thị trường đầu tư này cũng có xu hướng bổ sung nguồn cung mới.

Trong thời gian tới, nguồn cung mới của bất động sản công nghiệp các tỉnh phía Nam sẽ đến từ các giai đoạn tiếp theo của các khu công nghiệp hiện hữu hoặc các khu công nghiệp mới đã được thiết lập để đưa ra thị trường nhằm tận dụng nhu cầu ngày càng tăng.

Thống kê của JLL, có khoảng 18.290 ha đất đã được định hướng cho phát triển công nghiệp ở khu vực phía Nam, phần lớn nguồn cung tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai.

Đơn vị này dự báo, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho toàn khu vực, bao gồm cả Việt Nam. Ngoài ra, việc Việt Nam nỗ lực mở rộng khu vực thương mại tự do, trong đó mới nhất là Hiệp định thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) vừa được ký kết vào cuối tháng 6/2019, cũng được kỳ vọng sẽ tăng cường sức hấp dẫn của thị trường công nghiệp Việt Nam, thúc đẩy nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp.

Vũ Lê