Giảm lệ phí trước bạ, cú hích cho thị trường ô tô
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong 6 tháng, từ 1/8/2024 đến 31/1/2025. Khi được thông qua, chính sách này sẽ góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng , phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Người mua xe tiết kiệm từ được 15 - 300 triệu đồng
Từ năm 2020 đến cuối năm 2023, Chính phủ đã có 3 lần cho áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, mỗi lần 6 tháng, nhằm hỗ trợ người dân khi mua ô tô. Thời điểm hiện tại, khi chính sách này được thông qua, nhiều người dân và doanh nghiệp ô tô kỳ vọng đây là một trong những yếu tố giúp kích cầu thị trường nửa cuối năm 2024.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 115.900 xe các loại, bằng 96.8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng ô tô lắp ráp trong nước xuất xưởng đạt 133.600 xe, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang trên đà tăng trưởng âm. So với 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đạt 190.500 xe, thì đã giảm tới 74.600 xe.
Khách hàng sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm phí trước bạ
Ngay từ đầu năm 2024 một số doanh nghiệp đã đề xuất Chính phủ tiếp tục hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Giảm lệ phí trước bạ , không làm giảm giá bán xe, bởi đây là khoản thu sau khi khách hàng đã mua xe, nhưng sẽ làm giảm chi phí lăn bánh. Theo tính toán, khi giảm 50% lệ phí trước bạ , khách hàng mua ô tô dưới 10 chỗ, sử dụng xăng dầu, sản xuất lắp ráp trong nước, sẽ tiết kiệm được khoản tiền từ 15 - 300 triệu đồng, tùy từng mẫu xe. Qua đó kích cầu thị trường, giúp ô tô trong nước gia tăng sản lượng.
Trao đổi với PV VTV Times, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Việc giảm phí trước bạ ô tô là một trong những biện pháp mà nhiều năm qua chúng ta đã thực hiện và nó đã phát huy được tác dụng tốt đối với hoạt động tiêu thụ xe sản xuất và lắp ráp trong nước. Mặc dù có thể làm giảm thu phí trước bạ nhưng nó sẽ làm tăng số lượng tiêu thụ các xe trong nước, từ đó làm tăng các khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thuế giá trị gia tăng ".
Thực tế cho thấy, kinh tế khó khăn khiến sức mua giảm là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc cho các hãng xe và đại lý đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi , ưu đãi lớn, giảm tiền mặt trực tiếp vào giá bán để kích cầu. Có nhiều mẫu ô tô từ xe sang đến bình dân, được giảm từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng. Vậy nhưng, doanh số bán vẫn tăng trưởng âm, thị trường ô tô vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Sản lượng của hầu hết các mẫu ô tô sản xuất lắp ráp đều giảm mạnh
"Tôi cho rằng, nhu cầu tiêu dùng ô tô phụ thuộc rất nhiều yếu tố và có những biến động. Do đó, nếu được giảm thuế trước bạ, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên. Chính sách hỗ trợ được ban hành sẽ giúp người dân tiếp cận mức giá tốt, kích thích mua sắm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ ô tô đang có xu hướng sụt giảm mạnh" - Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam chia sẻ.
Kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người dân
Trước thông tin sẽ áp dụng giảm lệ phí trước bạ , nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô hy vọng, đây sẽ là một hướng tháo gỡ để thúc đẩy thị trường ô tô lắp ráp trong nước.
Ông Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Kinh doanh Huyndai Phạm Văn Đồng (Hà Nội) cho biết: "Việc giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô mới lắp ráp trong nước sẽ giúp các hãng xe tăng được doanh số bán hàng, cải thiện thị phần, cải thiện thúc đẩy hoạt động sản xuất sản phẩm. Còn với các showroom, sẽ giúp tăng lượng khách hàng tìm hiểu và mua xe. Từ đó sẽ giúp các showroom tăng được doanh số và giải quyết được bài toán hàng tồn kho. Còn về phần người tiêu dùng, việc giảm thuế trước bạ sẽ giúp khách hàng tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể khiến họ dễ dàng tiếp cận và quyết định dễ dàng mua cho mình một chiếc xe. Tôi nghĩ đây là một chính sách tốt, hài hòa được lợi ích của nhiều phía".
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Công Quang - Trưởng phòng bán hàng, Mitsubishi Cầu Diễn, TP Hà Nội đánh giá. "Tôi cũng cho rằng việc giảm phí trước bạ là sự chung tay cần thiết của các cơ quan chức năng nhằm giúp đỡ thị trường xe ô tô lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, để doanh số bán hàng thực sự được bứt phá như kỳ vọng thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng khác nữa. Chúng tôi kỳ vọng, khi áp dụng giảm phí trước bạ, con số tăng trưởng là khoảng 20% so với từ thời điểm giảm thuế trước bạ năm 2023".
Thị trường ô tô trong nước được kỳ vọng sẽ sôi động trong thời gian tới
Thực tế từ những lần trước, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số. Ông Hoàng Đức Hùng – Giám đốc Đại lý Mercedes Haxaco Láng Hạ nói về những tác động tích cực mà chính sách mang lại: "Đại lý của chúng tôi sẽ không phải giảm giá quá nhiều để bán xe. Điều đó cũng đồng nghĩa một phần là lợi nhuận của công ty cũng tăng hơn".
Cần một chính sách dài hơi?
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân giảm thu nhập thì sức mua của thị trường ô tô nửa cuối năm cũng sẽ sụt giảm, các hãng xe vẫn sẽ chưa hết khó khăn.
Hơn nữa, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ áp dụng cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước, và áp dụng đứt đoạn, thời gian khoảng 6 tháng chứ không thể cả năm liền mạch. Lý do là để hỗ trợ được ngành ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước mà tránh bị các nhà nhập khẩu khiếu kiện. "Chính vì lẽ đó nên thị trường ô tô chỉ khởi sắc lên trong thời gian ngắn, hết thời gian áp dụng chính sách thì nhu cầu lại giảm. Người tiêu dùng lại chờ đợi chính sách như thói quen để được hưởng lợi", Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng phân tích.
"Điều quan trọng nhất bây giờ vẫn là tình hình kinh tế vĩ mô. Hàng loạt khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến ngành sản xuất, kinh doanh ôtô trong năm qua. Việc người dân thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu mua sắm ôtô sụt giảm ngay cả khi hàng loạt mẫu mã xe ôtô đang bán tại Việt Nam đều giảm giá sâu nên tôi cho rằng việc giảm phí trước bạ là việc cần thiết nhưng không thể thay đổi hẳn được sự khó khăn của ngành ô tô lắp ráp trong nước. Về lâu dài, tôi cho rằng Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách tăng tỉ lệ nội địa hóa, khuyến khích đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô để gia tăng sản xuất các linh phụ kiện trong nước. Đặc biệt, các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp cho việc hạ giá thành sản xuất ô tô, thúc đẩy thị trường sôi động và bền vững hơn là những chính sách mang tính thời điểm", ông Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Kinh doanh Huyndai Phạm Văn Đồng đưa ra quan điểm.