GS. Đặng Hùng Võ: Nhiều "đô thị ma" hình thành, tạo nên tồn kho gắn với nợ xấu
Mức đô thị hoá ở Việt Nam còn quá thấp
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết như vậy tại tọa đàm truyền thông với chủ đề “Phát triển các khu đô thị: Thực trạng và Xu hướng mới” do BizLIVE tổ chức diễn ra chiều 18/7.
Theo ông Võ, tỷ lệ đô thị hóa được coi là chỉ số phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên theo số liệu điều tra dân số và hộ gia đình 2019, tỷ lệ đô thị hóa nước ta mới đạt 34,4%, ngang mức đô thị hóa của Đông Timor và Campuchia, tức là quá thấp so với mức trung bình trên toàn thế giới là 50%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam, theo ông Võ mới chỉ thể hiện về số lượng còn tiêu chí chất lượng rất quan trọng lại đang bị bỏ ngỏ, chưa có đánh giá cụ thể.
Theo nhìn nhận của ông Võ, con số tỷ lệ đô thị hóa là thấp là một nhược điểm, nhưng nhược điểm lớn hơn là chất lượng đô thị không cao.
“Khả năng tạo việc làm thấp, mất cân đối giữa dân số và hạ tầng, kể cả kỹ thuật, xã hội và môi trường. Các nhà đầu tư luôn hướng theo việc tạo không gian ở nhiều nhất để kiếm lợi ích từ kinh doanh, giảm nhiều nhất các không gian hạ tầng”, ông Võ nói.
Ông Võ cũng cho rằng, sau nhiều năm xuất hiện vô số khu đô thị mới bị bỏ hoang phí. Những "đô thị ma" đã hình thành, không hấp dẫn người tới ở, tạo nên kho bất động sản tồn đọng gắn với nợ xấu, gây nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế, xã hội.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2013 lượng tồn khi tới hơn 100 nghìn tỷ đồng, đến thời điểm hiên này thì chỉ còn hơn 20 nghìn tỷ đồng, mặc dù các chuyên gia cho rằng con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo ông Võ, đó là do nhiều khi đi theo tư duy của người quy hoạch chứ không đi vào phân tích vào yếu tố địa kinh tế.
“Yếu tố địa kinh tế ở đây là những vấn đề như khu vực này có tạo việc làm không, thu nhập người dân như nào, có khả năng phát triển và kết nối với các trung tâm đô thị lớn hay không”, ông Võ nói.
“Ngày hôm qua vẫn con trâu, cái cày, hôm nay ngày lập tức thành đô thị”
Đề cập đến quá trình đô thị hoá ở một số khu vực, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam nói: “Ngày hôm qua vẫn con trâu, cái cày, hôm nay ngày lập tức thành đô thị”.
Ông Chiến cho biết có nơi ở Quảng Ninh gọi là phường nhưng vẫn nguyên rừng núi. Theo vị này, nếu đúng về góc độ quy hoạch khu đô thị bắt buộc hạ tầng quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng nhà ở phải đồng bộ.
“Thực trạng phát triển các khu đô thị không đi kèm với phát triển hạ tầng dẫn đến các nhà đầu tư khi xây dựng chỉ chú trọng đến hạ tầng các khu đô thị mà nhà đầu tư làm, trong khi hạ tầng xung quanh chưa phát triển kịp”, ông Chiến nói.
Cũng trong quá trình phát triển, ông Chiến cho biết, khi mà các khu đô thị mới ra đời kèm theo đó là nhiều xung đột, bất cập giữa các đô thị mới và các khu đô thị cũ.
Đề cập nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Chiến cho rằng nhiều trường hợp không phải do các nhà quy hoạch mà do khâu tổ chức thực hiện có vấn đề.
Ông lấy ví dụ, Linh Đàm là một trong hai khu đô thị kiểu mẫu được Bộ Xây dựng công nhận, sau này Linh Đàm không được quy hoạch đến nơi đến chốn, cho đến giờ nhiều người muốn thu hồi danh hiệu đó lại.
"Một tác phẩm kiến trúc dù dưới dạng nhỏ nhất là một công trình cũng nên ở dạng để đời, mà chỉ sau vài chục năm đã không còn nhìn ra hình hài, đó chính là một trong những thực trạng đau buồn. Lỗi không phải do các nhà quy hoạch. Linh Đàm chỉ là một ví dụ mà còn rất nhiều khu đô thị khác rơi vào tình trạng này, lỗi do khâu quản lý cuối cùng. Định hướng quy hoạch ban đầu một kiểu nhưng sau đó sau các lần điều chỉnh lại méo mó hết", ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, không chỉ Linh Đàm, nhiều các đô thị lớn trên cả nước đều rơi vào tình trạng tương tự. "Trong hệ thống hơn 800 đô thị lớn nhỏ, với các đô thị lớn từ loại III trở lên tôi đều đã từng đến, vấn đề của Linh Đàm phổ biến trên đô thị khắp nước. Nếu mình tìm được nguyên nhân như vậy rồi thì chữa trị cũng phải bắt nguồn từ nguyên nhân này", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Nguyễn Mạnh