GS Đặng Hùng Võ: Sẽ 'động trời' khi buộc cán bộ giải trình nguồn gốc nhà đất
Ông Đặng Hùng Võ: Đúng là trong vài năm qua, khá nhiều vụ việc lớn liên quan tham nhũng đất đai đã được xử lý. Nhiều quan chức cấp cao của trung ương, địa phương, kể cả các cán bộ cao cấp thuộc lực lượng vũ trang đã phải đối mặt với lao lý hoặc đã bị kỷ luật ở mức độ nặng.
Đúng ra những vụ việc như vậy phải được ngăn chặn ngay từ khi xảy ra, nhưng chúng ta đã không làm được việc này. Gần đây, chủ trương của Đảng và Nhà nước đẩy mạnh chống tham nhũng đã tạo điều kiện để giải quyết những vụ việc trước đây.
Theo ông, để xảy ra thực trạng trên liệu có phải do hành lang pháp lý của chúng ta còn lỏng lẻo hay do nguyên nhân nào khác?
-Vấn đề tham nhũng đất đai và công sản ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường thường rất phức tạp. Trong cơ chế bao cấp, đất đai không có giá trị và giá cả, tất cả chỉ phụ thuộc vào quyết định của người có thẩm quyền. Trong cơ chế thị trường, giá trị đất phụ thuộc thị trường. Tư duy quản lý đất đai theo cơ chế bao cấp còn tồn đọng theo thói quen hoặc nhiều người cố tình lợi dụng chính sách để đất đai dễ bị lãng phí hoặc tham nhũng.
Để ngăn chặn, thường phải có một hệ thống pháp luật đất đai rõ ràng, phải được thực thi nghiêm, cán bộ quản lý phải liêm chính và phải có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả.
Trước đây, các điều kiện này ở Việt Nam đều không được bảo đảm. Hệ thống pháp luật đất đai chưa hoàn chỉnh, còn tồn tại nhiều khoảng trống cũng như nhiều xung đột của pháp luật đất đai với các luật chuyên ngành khác liên quan đến sử dụng đất. Hệ thống pháp luật như vậy quả là rất khó cho quản lý, kể cả các cán bộ quản lý liêm khiết cũng dễ bị sa cơ lỡ bước do không tinh tường về pháp luật.
Trên thực tế, nhiều cán bộ quản lý đất đai đã xin chuyển công tác; số lượng sinh viên ghi tên học ngành quản lý đất đai cũng giảm 50% - 70% trong kỳ tuyển sinh năm trước, ngành này không còn “hot” như trước đây..
Tiếp theo, thực tế thực thi pháp luật không đúng thể hiện ở bệnh “nhờn” luật làm cho cán bộ có thẩm quyền dễ lạm quyền vì tư lợi. Ví dụ như pháp luật quy định bảng giá đất phải phù hợp với giá đất trên thị trường, nhưng bảng giá đất của tất cả các địa phương đều chỉ bằng khoảng 30% giá thị trường. Như vậy, tất cả các địa phương đều vi phạm pháp luật nhưng như không có chuyện gì xảy ra. Giá đất mà nhà nước ban hành thấp luôn là cơ hội phù hợp để dẫn đến tham nhũng đất đai.
Gần đây nhiều cơ quan chức năng đưa ra quy định kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, theo ông, việc kiểm soát này đã được thực hiện đến đâu?
-Cơ chế kiểm soát quyền lực quản lý đất đai ở nước ta gần như chưa hiệu quả. Những trường hợp có dấu hiệu tham nhũng được nhân dân hay báo chí phát hiện, nhưng ít được giải quyết kịp thời. Nhiều vụ việc lớn nhưng đến nay mới được xử lý.
Bộ máy quản lý về đất đai đều chưa thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật. Cơ chế giám sát của người dân cũng chưa được thực hiện, nhiều vụ việc lớn cũng chỉ được giữ kín trong nội bộ các cơ quan nhà nước, thông tin thiếu công khai.
Một đặc điểm nữa của cách quản lý ở Việt Nam là thủ trưởng yêu cầu cán bộ dưới quyền phải thực hiện theo ý của mình. Nhiều cán bộ cấp dưới biết rằng, việc này trái pháp luật, nhưng vẫn phải thực hiện vì nếu không có thể mất việc.
Vậy theo ông, công cụ nào có thể giám sát hiệu quả quyền lực trong quản lý đất đai?
-Thực trạng đáng buồn như trên nói lên rằng, chúng ta vẫn chưa quan tâm tới các giải pháp phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Theo nhiều số liệu khảo sát trong nước cũng như do tổ chức phát triển quốc tế thực hiện, tham nhũng về đất đai luôn đứng ở nhóm đầu. Biết vậy, nhưng giải pháp phòng, chống tham nhũng về đất đai gần như chưa đạt. Ba yếu tố trọng tâm của quản trị tốt về đất đai bao gồm công khai - minh bạch thông tin quản lý, có sự tham gia quản lý và giám sát của dân và trách nhiệm giải trình của cán bộ đều không được thực thi cụ thể.
Trong cơ chế thị trường, đất đai là tài sản có giá trị lớn nhất, có thể mang lại siêu lợi ích cho một doanh nghiệp, một cá nhân. Vì vậy, yêu cầu về công khai mọi thông tin đất đai là yếu tố quan trọng, ở ta vẫn chưa được thực hiện tại tất cả các địa phương.
Mặt khác, chúng ta vẫn tôn trọng quyền riêng tư về tài sản nên không yêu cầu phải công khai thông tin về chủ sử dụng đất. Tôi tin rằng, sẽ có chuyện “động trời” khi Nhà nước yêu cầu tất cả các cán bộ phải công khai nhà đất của gia đình mình kèm theo giải trình về nguồn gốc...
Như vậy, nguyên nhân của tình trạng này có cả pháp luật chưa hoàn chỉnh, việc thực thi pháp luật chưa đúng, cán bộ quản lý thiếu liêm chính và chưa thực thi đầy đủ quyền giám sát của dân. Nói cách khác, chúng ta cần thay thế thể chế quản lý của nhà nước theo chiều trên xuống bằng thể chế quản trị kết hợp với sự tham gia của toàn dân theo chiều dưới lên. Có như vậy, chúng ta không chỉ kiểm soát được tham nhũng đất đai mà còn tạo điều kiện để sử dụng đất mang lại hiệu quả cao.
Cảm ơn ông!
Theo: Minh Tuấn
Tiền Phong