Hà Nội: Bảng giá đất dự kiến tăng, ngân sách thu về nhiều nghìn tỷ đồng thuế phí
Như Dân trí đã đưa tin, UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.
Để tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố, tại tờ trình này, UBND TP Hà Nội thống nhất đề xuất HĐND xem xét mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 bình quân 15% so với giai đoạn 2014-2019.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đưa ra mức đề xuất tăng bình quân tới 30%.
Theo báo cáo của Cục Thuế Thành phố Hà Nội, dự kiến trong giai đoạn 5 năm 2020 – 2024, Bảng giá các loại đất điều chỉnh tăng (với mức bình quân 15% như vừa đề xuất) sẽ làm tăng thu cho ngân sách đối với các loại thuế, phí, tiền thuê đất tương ứng khoảng 3.810 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Điều chỉnh tăng giá đất ở sẽ tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp ngân sách của người sử dụng đất. Dự kiến trong giai đoạn 2020 – 2024, 5 năm tiền thuế thu được từ thuế phi nông nghiệp tăng thêm tương ứng khoảng 288,5 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh tăng giá đất ở sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ về đất.
Theo báo cáo của Cục Thuế Thành phố, dự kiến năm 2020 tiếp nhận và xử lý nghĩa vụ tài chính của 170.000 lượt hồ sơ chuyển nhượng bất động sản. Ước tính thuế thu nhập cá nhân thu được gần 2.000 tỷ đồng, lệ phí trước bạ đất gần 970 tỷ đồng.
Dự kiến trong giai đoạn 5 năm 2020 – 2024 tiền thuế thu nhập cá nhân tăng thêm tương khoảng 1.235 tỷ đồng.
Ngoài ra, số thu từ tiền sử dụng đất đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân tăng lên...
Theo UBND TP. Hà Nội, việc điều chỉnh tăng bảng giá đất sẽ làm tăng chi phí đối với người dân, đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Ngoài ra việc điều chỉnh bảng giá đất có thể tác động gián tiếp đến thị trường bất động sản, đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn TP do yếu tố tâm lý như các chủ đầu tư "tranh thủ" tăng giá bán bất động sản tại dự án với lý giải do các khoản thuế, phí tăng. Các hộ nằm trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trông chờ giá bồi thường tăng.
Đánh giá về việc tăng khung giá đất, bà Trần Thị Khánh Linh - Trưởng bộ phận Định giá, Savills TP. HCM - cho biết: Thực tế hiện nay, giá đất giao dịch trên thị trường đã khác biệt rất lớn so với giá đất quy định trong bảng giá đất do UBND các tỉnh, thành phố ban hành. Khác biệt này đặc biệt thể hiện rõ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Để thu hẹp khác biệt này, mỗi năm UBND các thành phố đều ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để tính toán các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai.
Bà Trần Thị Khánh Linh cho rằng, việc điều chỉnh khung giá đất nhà nước cũng không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các dự án bất động sản, từ đó giá thành các sản phẩm bất động sản cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Cũng theo bà này, giá đất bị điều chỉnh bởi cung cầu của thị trường nên luôn thay đổi từng ngày từng giờ. Do đó, về dài hạn nên thay đổi việc ban hành khung giá đất cố định cho một giai đoạn dài đến 5 năm.
"Việc xác định giá đất theo giá trị thị trường là cơ chế tối ưu để hạn chế thất thu ngân sách nhà nước, làm hài lòng, thỏa mãn tất cả các bên sử dụng đất có liên quan", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Trong khi đó, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc tăng giá đất trong bảng giá đất sẽ có tác động mạnh tới thị trường bất động sản. Trong đó ảnh hưởng trước tiên sẽ là vấn đề giá.
Theo vị này, với các dự án bất động sản nhà ở, tiền đất thường chiếm 10-15% giá thành. Khi giá đất tăng thì giá bán chắc chắn sẽ tăng theo.
“Với mức giá như hiện nay thôi thì đã thổi bay khỏi thị trường sản phẩm nhà giá rẻ. Nếu tăng nữa thì cơ hội mua căn hộ giá thấp còn đâu?”, ông Đính đặt vấn đề.
Để tránh tác động xấu tới thị trường, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nên khoanh vùng khu vực để phân chia mức tăng hợp lý.
Ông Đính lấy ví dụ, tại các khu vực hạn chế xây nhà cao tầng, phát triển nhà ở như khu vực quận nội đô thì có thể tăng, thậm chí tăng mạnh.
“Ông nào đó muốn xây nhà khu vực nội đô thì bị đánh thuế rất cao, nếu chấp nhận vào vị trí tốt thì phải chấp nhận đóng thuế nhiều. Còn lại các khu vực khuyến khích phát triển nhà ở như khu vực Hà Đông hay Sóc Sơn thì không nên tăng, thậm chí có những khu vực còn có thể tính toán giảm để khuyến khích phát triển nhà ở”, ông Đính đề xuất.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, tránh việc “đổ đồng” cả một vùng tăng giá. “Đồng ý tăng nhưng tính toán chỗ nào cần thiết thì tăng”, ông Đính nhấn mạnh.
Nguyễn Mạnh