Hà Nội: “Bất lực” trong quy hoạch đô thị

Hà Nội: “Bất lực” trong quy hoạch đô thị - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Đường Lê Văn Lương thường xuyên trong tình trạng "giờ cao điểm" 

Mới đây, Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô cho biết, tỉ lệ đất dành cho giao thông của thành phố Hà Nội nói chung còn quá thấp, tính đến năm 2018, tỷ lệ này mới chỉ đạt 8,65% diện tích đất đô thị (thế giới khoảng 25%).

Theo thống kê mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm gần 200.000 người, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. 

Ở các quận như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Cầu Giấy, có mật độ dân số cao nhất, trung bình đều trên 30.500 người/km2. Việc này đã gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường trên địa bàn Thủ đô. 

Theo Luật quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú.

Song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm.

Ở các quốc gia trên thế giới, quy hoạch phát triển đô thị định hình rất lâu, tầm nhìn 30-40 năm, thậm chí ở một số quốc gia phát triển, quy hoạch định hình cách đây 3-4 thế kỷ vẫn hiện diện. Ngay các quốc gia bên cạnh Việt Nam, như Lào, Campuchia, Thái Lan quản lý quy hoạch đô thị rất tốt.

Trong khi đó, tại Việt Nam, sự đầu tư cho công tác quy hoạch chưa tương xứng, cách thức làm quy hoạch không ổn, nay điều chỉnh mai điều chỉnh, mỗi lãnh đạo lên lại điều chỉnh, rồi cơ chế xin-cho cũng là vấn đề nhức nhối.

Đặc biệt, theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm việc đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư, khi xây dựng quy hoạch vùng Hà Nội, mục tiêu quan trọng khi quy hoạch các đô thị vệ tinh là giãn dân nội đô sang các đô thị này.

“Tuy nhiên, đến nay ai cũng thấy, nội đô Hà Nội đang lâm vào quá tải và ô nhiễm không khí nặng nề. Điều này đã được cảnh báo trong quy hoạch chung 2008, thể hiện ở nội dung giãn quy mô dân số và cấm xây siêu cao tầng ở trung tâm. Nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại” - PGS Nguyễn Hồng Thục nói.

Các đô thị vệ tinh cách trung tâm thành phố khoảng 25-30km. Đây là khoảng cách tối ưu vừa đảm bảo tính độc lập tương đối của các đô thị vệ tinh, vừa đáp ứng các hoạt động hỗ trợ đối với đô thị trung tâm trên cơ sở các phương tiện giao thông tốc độ cao (đường sắt đô thị, xe buýt tốc độ cao).

Tuy nhiên, UBND TP cho rằng, do nhiều yếu tố, nguyên nhân chủ quan, khách quan đặc biệt là thiếu nguồn lực phát triển (quy hoạch xây dựng; đầu tư xây dựng hạ tầng khung; di chuyển các bộ, ngành, cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế) nên việc đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô còn nhiều hạn chế.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ rõ, sở dĩ việc triển khai các đô thị vệ tinh vẫn trong tình trạng “trên giấy” là do các đô thị vệ tinh là chưa có sức hấp dẫn.

Theo quy hoạch, 5 đô thị vệ tinh đó đang phải gánh trách nhiệm hút dân số, chia sẻ gánh nặng dân số với trung tâm, nhưng khi chúng ta không làm được hệ thống kết nối, hạ tầng chúng ta không có con người. “Một đô thị không có dân, một đô thị di dân bằng kiểu cưỡng bức thì đô thị đó không tồn tại” – ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, bài toán quy hoạch là bài toán văn hóa, bài toán nhân văn, bài toán con người và nó là bài toán kinh tế.

“Hiện nay có một vấn đề là chúng ta đang chạy theo các dự án bất động sản, mà tôi nghi ngờ rằng các dự án bất động sản bởi các chủ đầu tư là kinh doanh, họ bán hàng và đến khi đưa con người lên các tòa cao tầng rồi họ sẽ chỉ sống với 4 bức tường, không có không gian công cộng, không có nơi giao lưu, không có sân chơi trẻ em, sân chơi người già, và mỗi lần mùa nước thì cả khu đô thị đó sẽ mênh mông nước” – ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Tùng cho rằng: "Cần có các chính sách xây dựng 5 đô thị vệ tinh, trước hết là hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng, để người dân thấy sống ở đó người ta cảm thấy hạnh phúc, tin tưởng, cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn người ta mới ở".

Theo Ban Mai

Diễn đàn Doanh nghiệp

Hà Nội: “Bất lực” trong quy hoạch đô thị - 2

Nhấn để phóng to ảnh