Hà Nội: Bốn huyện sắp lên quận, giá đất tăng đột biến nhưng dễ "sốt"... ảo!
"Ôm" đất chờ 4 huyện Hà Nội sắp lên quận
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025 .
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, đối với việc 4 huyện sắp lên quận, cũng cần lưu ý rằng, quá trình đầu tư xây dựng các huyện này lên quận không diễn ra trong ngày 1 ngày 2 mà sẽ kéo dài từ nay đến 2025. Vì vậy, giá bất động sản những khu vực này có thể tăng lên nhưng sẽ theo lộ trình. Những hiện tượng tăng giá đột biến nhiều khả năng chỉ mang tính nhất thời.
Đó cũng là kinh nghiệm các nhà đầu tư có được từ các thị trường đi trước. Các hiện tượng sốt đất trước đây đã cho họ nhiều bài học; đã có những người đầu tư vào đất huyện chờ tăng giá khi lên quận nhưng sớm phải rút khi thị trường suy giảm.
"Đại gia" địa ốc bi đát và chua chát!
Anh L.Q.C, lãnh đạo một doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn xây dựng rao bán một số căn hộ chung cư tại khu vực Hà Đông với giá rẻ bất ngờ so với thị trường.
Theo tìm hiểu, căn hộ này được anh Q.C nhận từ một doanh nghiệp địa ốc lớn tại Hà Nội. Tuy nhiên do khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp đối tác kia phải dùng căn hộ, biệt thự… để thanh toán công nợ.
Cực chẳng đã, nhà thầu khi nhận được những sản phẩm gán nợ này lại phải tìm mọi cách để thanh lý, nhiều trường hợp với bán với giá rất rẻ để nhanh chóng thu hồi gốc. Trong khi đó, lúc nhận căn hộ thì lại bằng mức giá bán được chủ đầu tư đưa ra thị trường.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam - cho hay: “Nói chung thiệt đơn, thiệt kép. Tuy nhiên, không còn cách nào khác phải chấp nhận nhận hiện vật để đối trừ công nợ. Nhưng không chấp nhận cũng khó bởi thà vậy còn hơn để số nợ “treo” mãi qua ngày này tháng khác”.
Chiêu bán đất thanh lý giá "siêu rẻ"
Ông Lâm Bình Bảo, CEO một doanh nghiệp tại TP.HCM kể chuyện về một người bạn suýt bị dính “quả lừa” khi đi mua đất từ lời rao của một công ty trên địa bàn TP.HCM.
Lời rao khá hấp dẫn: có một số thửa đất tại huyện Long Thành, Đồng Nai được ngân hàng thanh lý với giá thấp hơn thị trường 15%.
“Trên xe đưa đón, doanh nghiệp kia bố trí thêm vài chim mồi đi cùng xe, tỏ vẻ là dân đầu tư chuyên nghiệp , xuống tay đặt cọc nhiều lô đất để dẫn dụ khách”, ông Bảo kể.
Sau đó, người bạn của vị này có đặt cọc 50 triệu đồng, nhưng sau khi xem hợp đồng thì thấy nhiều điều khoản gian dối. Cụ thể, thông báo đất thổ cư nhưng trong hợp đồng lại ghi đất đang chờ chuyển đổi quyền sử dụng đất.
Hà Nội lo chủ đầu tư tranh thủ "thổi" giá bất động sản
UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.
Để tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố, tại tờ trình này, UBND TP Hà Nội thống nhất đề xuất HĐND xem xét mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 bình quân 15% so với giai đoạn 2014-2019.
Đáng chú ý, đề cập đến câu chuyện tranh cãi “nóng" nhất thời gian qua về việc liệu điều chỉnh bảng giá đất có tác động nhiều đến giá thị trường bất động sản, UBND TP. Hà Nội đã có những lý giải.
Theo đó, lãnh đạo Hà Nội cho rằng việc điều chỉnh bảng giá đất có thể tác động gián tiếp đến thị trường bất động sản như các chủ đầu tư "tranh thủ" tăng giá bán bất động sản tại dự án với lý giải do các khoản thuế, phí tăng...
Bỏ tiền tỷ mua chung cư nhưng sống như “ăn nhờ ở đậu”
Sau khi bỏ vài tỷ đồng mua căn hộ , thậm chí là 5-7 tỷ cho những căn chung cư 5 sao nhưng nhiều khách hàng cho biết họ rất bức xúc với lối cư xử ngang ngược của một số chủ đầu tư hoặc ban quản lý do chủ đầu tư thuê vận hành tòa nhà.
Một ngày giữa tháng 11, chị Nguyễn Thị H, sống tại một chung cư cao cấp tại quận 5 TP.HCM phải tăng ca nên trở về chung cư vào lúc 23 giờ 30. Không may, chị H làm rơi thẻ ra vào thang máy nên không thể lên căn hộ của mình. Trong khi đó, người nhà đã ngủ say nên chị H ngại làm phiền đến người thân.
Lúc này, chị H. ra nhờ bảo vệ của tòa nhà giúp đỡ, người này bắt đầu nạt nộ chị H. rằng “đã về muộn còn làm mất thẻ thì ra ngoài mà ngủ”. Thay vì hỏi chị H. bằng thái độ thiện chí thì người này liên tục lớn giọng, bắt chị H. phải đọc số căn hộ và tên của các thành viên sống trong căn hộ. Quá bức xúc, chị H. đành phải gọi chồng xuống hỗ trợ vào thang máy.
Môi giới bất động sản “lặn mất tăm” khi khách gặp chuyện
Chỉ trong vài tháng qua, khách hàng vô cùng hoàng mang khi hàng loạt dự án “ma” tương tự Alibaba đã bị chính quyền vào cuộc xử lý.
Hàng loạt công ty bất động sản bị phanh phui về những chiêu trò câu kéo khách hàng trái luật, hàng nghìn nhà đầu tư, khách hàng bị lừa mua phải dự án chưa được cấp phép dẫn đến tiền vốn bị chôn một chỗ.
Đáng nói, một trong những nhân tố đẩy khách hàng đến rủi ro không ai khác chính là các nhân viên môi giới bất động sản.
Nhiều môi giới không hề nắm rõ luật, không biết về pháp lý dự án, không tìm hiểu xem dự án có thật hay không nhưng vẫn thản nhiên rao bán cho khách hàng để lấy hoa hồng.
Mong muốn có lợi nhuận khủng, nhiều môi giới sẵn sàng chèo kéo, thổi phồng dự án để bán được hàng rồi đẩy nhà đầu tư xuống hố sâu. Khi xảy ra chuyện, khách hàng tìm đến thì môi giới “lặn mất tăm”, đổi số điện thoại, bỏ mặc khách hàng chới với không nơi bấu víu.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)