Hàng chục doanh nghiệp bất động sản lớn sắp tham dự Hội nghị nhà ở xã hội do Thủ tướng chủ trì

Loạt "ông lớn" bất động sản góp mặt trong Hội nghị thúc đẩy nhà ở xã hội

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, đơn vị này đã đề xuất danh sách khách mời tham dự bao gồm 43 doanh nghiệp hàng đầu về bất động sản, 2 hiệp hội bất động sản và 10 ngân hàng.

Trong đó, dự kiến sẽ có 10 tập đoàn, tổng công ty về bất động sản được mời để nêu giải pháp phát triển nhà ở xã hội gồm: Vingroup, Sun Group, BRG, Becamex IDC Bình Dương, Viglacera, HUD, UDIC, Nam Long, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng, Ecopark...

Ngoài ra, một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng trong danh sách tham dự hội nghị gồm: Novaland, Hưng Thịnh Land, GP Invest, CEO, Himlam, Hoàng Huy, Phú Long,...

Để tháo nút thắt về vốn rẻ cho nhà ở xã hội, nhóm 10 ngân hàng từng tham gia cho vay vốn phát triển nhà ở xã hội như: Ngân hàng Chính sách xã hội, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, MBBank, Techcombank, VPBank, TPbank, HDBank cũng nằm trong danh sách tham dự hội nghị phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng trước thềm hội nghị nêu: Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 593.428 căn.

Trong đó có 103 dự án dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn; 137 dự án dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 114.618 căn; 415 dự án dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 412.055 căn.

Riêng trong năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành. Như vậy, với số lượng căn hộ đã được khởi công và hoàn thành đến nay đã đạt khoảng 42,38% mục tiêu của Đề án đến năm 2025.

Những địa phương có số căn nhà ở xã hội hoàn thành cao hơn mục tiêu trong Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ của Chính phủ tính đến đầu năm 2025, gồm: Hải Phòng 5.242 căn, Hà Nam 964 căn, Thanh Hóa 2.197 căn, Hà Nội 11.334 căn, Bắc Ninh 7.020 căn,...

Ngược lại, một số địa phương có số lượng nhà ở xã hội hoàn thành thấp hơn nhiều so với mục tiêu trong đề án như: TP. HCM 2.745 căn, Quảng Ninh 412 căn,... Thậm chí, Nam Định, Ninh Bình còn ghi nhận chưa có dự án được chấp thuận chủ trương, khởi công và hoàn thành.

Theo Bộ Xây dựng, việc vẫn còn ghi nhận nhiều hạn chế trong thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2025: Địa phương chưa quan tâm, chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm.

Đồng thời, quỹ đất làm nhà ở xã hội tại một số địa phương còn xa trung tâm, không thuận tiện giao thông, không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội (chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, thẩm định, cấp phép...) rườm rà.

Cuối cùng là một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng chưa triển khai thi công hoặc chậm tiến độ. Tỷ lệ giải ngân vốn tín dụng của Chương trình 12.000 tỷ đồng còn rất thấp.