Hàng loạt chủ đầu tư "om" tiền: Lãnh đạo Sở đề xuất bỏ hẳn quỹ bảo trì chung cư
Chia sẻ tại Hội thảo về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư vừa diễn ra, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trong thời gian qua tại nhiều nhà chung cư vẫn xảy ra những tranh chấp.
Theo ông Hà, một trong số những tranh chấp thường diễn ra tại nhiều chung cư liên quan tới khoản phí quản lý 2% kinh phí bảo trì nhà chung cư.
Vị chuyên gia cho biết, mặc dù Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đều quy định chủ đầu tư có trách nhiệm nộp 2% kinh phí bảo trì (số tiền này thu từ người mua căn hộ và phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, không bán), số tiền này phải được gửi vào ngân hàng thương mại và chuyển giao lại cho Ban Quản trị nhà chung cư khi Ban Quản trị được thành lập.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc quy định này, không chuyển giao số kinh phí bảo trì này cho Ban Quản trị mà tự ý sử dụng vào các mục đích khác hoặc cũng có trường hợp khi chuyển giao số kinh phí này thì Ban Quản trị cũng tùy tiện sử dụng không đúng mục đích...
Nói về kinh nghiệm các nước, ông Hà cho biết, về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, hầu hết các nước đều quy định các nhà chung cư cần phải có một quỹ bảo trì, sửa chữa, thay thế các phần kết cấu trang thiết bị thuộc sở hữu chung trong nhà chung cư, chỉ có điều kinh phí đóng góp như thế nào là có sự khác nhau. Thu trước tại thời điểm bán căn hộ, hiện có Việt Nam và Trung Quốc áp dụng. Trích từ tiền phí dịch vụ hàng tháng có Singapore, Hàn Quốc, một số quốc gia thì nộp khi phát sinh công việc bảo trì.
Còn theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), hiện nay các cơ quan nhà nước còn bối rối trong việc đưa ra các chế tài xử lý, các quy định ban hành về quản lý nhà chung cư còn chồng lấn.
"Đáng chú ý là hơn 500 dự án bàn giao nhưng chỉ có hơn 200 dự án bàn giao quỹ bảo trì. Điều này cho thấy, lợi ích của người dân đã bị chiếm dụng. Giải pháp cho câu chuyện này là người dân phải làm quen với việc khi mua bán cần phải tham khảo ý kiến luật sư, khi tranh chấp liên quan đến chung cư là ra toà xử lý, tức là các vấn đề cần quy định lại trong Luật dân sự", ông Nam bình luận.
Liên quan tới câu chuyện này, tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TPHCM đề xuất bỏ 2% phí bảo trì nhà chung cư sau khi sửa Luật Nhà ở.
"Quy định khi mua nhà phải nộp 2% ngay từ đầu như hiện nay còn nhiều vấn đề phức tạp phát sinh. Chúng ta đưa ra quy định 2% phí bảo trì là vì muốn có sẵn tiền ở đó, khi phát sinh là có tiền sửa luôn. Nhưng nhà nước và chủ đầu tư đâu có lo mãi cho cư dân được. Phí bảo trì cũng là nguồn quỹ có hạn sử dụng, thông thường chỉ khoảng 5-10 năm. Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu", ông nói.
Theo ông Hải, khi bỏ khoản quỹ này, nếu sau đó phát sinh vấn đề cần phải có chi phí thì có thể yêu cầu cư dân nộp vào. Trường hợp người không nộp thì phải có chế tài quy định, hoặc trích trong kinh phí quản lý vận hành chung cư sẽ dễ dàng hơn.
"Nếu chưa thể bỏ được quỹ bào trì chung cư thì trước mắt, những tranh chấp liên quan đến khoản phí này nên quy thành những vấn đề dân sự (hiện nay là quan hệ hành chính), cư dân có quyền kiện ra toà nếu bị chiếm dụng", ông nói.
Theo ông Hải, đối với những tranh chấp về quỹ bảo trì, chính quyền địa phương có quyền cưỡng chế doanh nghiệp để đòi tiền cho cư dân.
"Nhưng đa số trường hợp này chủ đầu tư đã không còn tiền trả cho cư dân. Chỉ có cách xử lý về mặt tài sản, bán rồi định giá để trả 2% phí bảo trì nhưng vướng là quy trình, trình tự lại chưa có, chỉ trông chờ vào việc phát mại tài sản của chủ đầu tư", ông nói.
Phương Dung