Hành trình biến rốn nước Nam Hà Nội thành khu nhà cho người giàu
Quyết định liều lĩnh
Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) vốn nổi danh bởi nghề nuôi cá trong nhiều thế kỷ. Diện tích ao hồ lớn, ở đất này nhà nào cũng có ao cá. Hằng ngày, đàn ông ở nhà chăm cá, đàn bà gánh cá bán rong khắp chợ nội thành. Qua hàng trăm năm, hiện phường Yên Sở là nơi có chợ cá đầu mối lớn nhất khu vực miền Bắc. Thâu đêm, suốt sáng, chợ hoạt động nhộn nhịp bởi hàng trăm thương lái, nông dân từ khắp nơi đổ về. Chẳng gì, khi đến Yên Sở người dân vẫn lưu truyền câu nói "nhất thả cá, nhì gá bạc" để nhắc nhớ về những nghề mang lại cuộc sống sung túc cho nơi đây.
Khi quá trình đô thị hóa diễn ra, địa hình trũng, diện tích mặt nước lớn thường không là sự lựa chọn để xây dựng các công trình hạ tầng. Một phần vì tốn kém, phần khác không thu hút cư dân mới an cư. Yên Sở trong nhiều năm trở thành một vùng đất hồ trũng, ô nhiễm và hoang hóa. Vào mùa mưa lớn, nếu hệ thống thoát nước Hà Nội không kịp xử lý, toàn khu vực trở thành "rốn nước" khổng lồ của cả thành phố. Với người bản địa sinh sống lâu rồi thành quen với cảnh nhà ngập ngang nửa cột nhà.
Ông Cheong Ho Kuan, Chủ tịch hội đồng quản trị Gamuda Land Việt Nam (thành viên của Gamuda Berhad) cho biết, ngay khi quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam năm 2007, doanh nghiệp nhận ra những tiềm năng lớn của bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở đô thị. Mục tiêu của tập đoàn đến từ Malaysia rất rõ ràng: mang lại định nghĩa thực sự về không gian sống - gần gũi với thiên nhiên, đầy đủ tiện nghi, dịch vụ và tiện ích hoàn hảo.Những năm 2000, Gamuda Berhad - Tập đoàn bất động sản hàng đầu Malaysia toan tính mở rộng thị trường và thương hiệu ra khu vực. Việt Nam được nhắm đến sau thời gian dài doanh nghiệp này tìm hiểu. Ngoài các điều kiện chính trị xã hội, cơ cấu dân số "vàng" - 60% dân số trong độ tuổi lao động là tiềm năng lớn để phát triển phân khúc nhà ở.
Gamuda Land quyết định chọn khu vực đầm trũng Yên Sở - vùng đất bị bỏ quên một thời của Hà Nội để thực hiện tham vọng xây dựng một khu đô thị mới quy mô lớn ngay cửa ngõ phía Nam. Đây là điều ít doanh nghiệp nước ngoài nào dám mạo hiểm khi lần đầu tiên tham gia thị trường Việt Nam. Một quyết định mà khi đó, giới đầu tư bất động sản cho là "điếc không sợ súng".
Trong nhiều lý do cho sự lựa chọn này, có việc Gamuda Land tôn trọng tôn chỉ mục đích từ trước của mình là thấu hiểu những giá trị từ thiên nhiên.
"Là nhà kiến tạo khu đô thị chúng tôi không chỉ muốn gìn giữ những nét đẹp vốn của một vùng đất, mà còn mong mỏi được phát triển thêm những mảng xanh để mang đến cho cư dân một môi trường sống trong lành, nơi mà mọi người đều có thể gọi là nhà", ông Cheong Ho Kuan cho hay.
Thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi vào Việt Nam chính là sự khác biệt về văn hóa giữa Việt Nam và Malaysia. Bên cạnh đó, việc xây dựng các dự án chất lượng gắn liền với việc bảo tồn các vốn quý của tự nhiên đòi hỏi diện tích đất quy hoạch khá lớn. Thực tế, quỹ đất khai thác cho các khu đô thị trung tâm ngày càng eo hẹp.
Từ những ngày đầu, doanh nghiệp này chủ động tìm kiếm và quy hoạch các khu đô thị xanh dịch chuyển về các vùng ven đô, nơi có bầu không khí trong lành với không gian sống rộng và thoáng hơn.
Do đó, Yên Sở dù được xem là "rốn nước" Hà Nội, nhưng diện tích mặt nước ao hồ lớn lại là lợi thế để xây dựng một không gian sống gần thiên nhiên. Vấn đề lớn nhất vẫn là hệ thống điều tiết nước tại đây.
Biến điểm yếu thành điểm mạnh dù tốn kém. Gamuda Land bắt tay triển khai dự án Gamuda City với mục tiêu trở thành khu đô thị mang tầm quốc tế trải rộng trên khuôn viên 500 hecta. Công viên Yên Sở là một trong 4 phân khu của dự án khu đô thị và được doanh nghiệp này xác định cần thi công đầu tiên. Ngoài việc tạo nên hình hài đầu tư về khu đô thị đẳng cấp, công viên Yên Sở còn là cách để doanh nghiệp xóa bỏ cảm quan của nhiều người về vùng đất từng bị bỏ quên bởi ngập nước. Gamuda Land chi hoàn toàn 2 tỷ USD cho công trình.
Công viên Yên Sở với diện tích 323 hecta, là công viên đô thị lớn nhất Việt Nam do Gamuda Land xây dựng trên rốn ngập cũ của Hà Nội. |
Sau 7 năm thi công, chiều 4/4/2014 công viên Yên Sở mở cửa miễn phí cho người dân. Với tổng diện tích 323 hecta, đây là công viên đô thị lớn nhất Việt Nam, công viên xanh lớn nhất Hà Nội. Công trình cũng nằm trong quy hoạch mở rộng chiến lược của Hà Nội. Sau khi cải tạo và nâng cấp thành công viên, nơi đây đã có nhiều công trình như: nhà triển lãm nghệ thuật, nhà thuyền, rạp hát ngoài trời, vườn mê cung, làng văn hóa, địa điểm thể dục, thể thao, khu vực cắm trại BBQ cho người dân thủ đô... Đến lúc này, đây cũng là địa chỉ dã ngoại yêu thích của nhiều người dân thủ đô.
Công viên Yên Sở được xem là dấu ấn đậm nét cho một tập đoàn bất động sản Malaysia lần đầu đặt chân đến Việt Nam. Xa hơn, công trình cũng là bệ đỡ hạ tầng để gia tăng tiện ích cho dự án khu đô thị Gamuda City ngay kế bên.
"Tại Gamuda City Hà Nội, bằng cách xây dựng nhà máy xử lý nước Yên Sở, chúng tôi đã biến cả một vùng đất hoang sơ đang đối diện với những vấn đề nghiêm trọng về môi trường thành công viên xanh mát trù phú. Đó không phải là điều mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể thực hiện được", đại diện Gamuda Land chia sẻ.
Hiện thực hóa triết lý xanh
Điểm chung dễ nhận thấy tại nhiều dự án khu đô thị mà tập đoàn này này từng đầu tư xây dựng là nhà luôn kế công viên và hồ nước cùng tiện ích nội khu đầy đủ. Một khu đô thị nơi mà cư dân có thể tận hưởng cuộc sống hạnh phúc, gắn với thiên nhiên là điều mà Gamuda Land hướng tới.
Triết lý kinh doanh này cũng được tập đoàn áp dụng tại Việt Nam với dự án khu đô thị đầu tiên. Gamuda City nằm nép bên Công viên Yên Sở được cấp phép xây dựng năm 2007 và chính thức khởi công hạng mục đầu tiên vào 2012.
Với tổng số vốn đầu tư 5 tỷ USD, đây là một trong những dự án đô thị quy mô nhất tại Việt Nam, trải rộng trên khuôn viên 274ha và tọa lạc tại vị trí chiến lược cách trung tâm thành phố Hà Nội chỉ vài phút đi xe.
Ông Cheong Ho Kuan cho biết, Gamuda City được xây dựng với mục tiêu trở thành khu đô thị tích hợp mang tầm quốc tế gồm các phân khu chính: công viên Yên Sở, 2 khu dân cư Gamuda Gardens, Gamuda Lakes và khu thương mại LeParc. Ngoài ra, tại đây còn có hệ thống trường học, bệnh xá, các trung tâm chăm sóc sức khỏe phục vụ toàn bộ khu dân cư theo tiêu chuẩn quốc tế.
"Gamuda City không phải là dự án ở trung tâm nhưng 10 năm tới đây là sẽ khu đô thị nằm trong khu trung tâm lõi mở rộng của thành phố", vị này nhận định.
"Chúng tôi đã biến cả một vùng đất hoang sơ đang đối diện với những vấn đề nghiêm trọng về môi trường thành công viên xanh mát trù phú. Đây chính là điều Gamuda Land tự hào", ông nói thêm.
Chia sẻ thêm về chiến lược xây dựng khu đô thị xanh, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết quan điểm của tập đoàn về đô thị xanh không chỉ đơn thuần là có diện tích cây xanh chiếm 50-70% diện tích dự án mà khu đô thị phải đáp ứng tiện ích "tất cả trong một " (All-in-one) với mọi dịch vụ tiêu chuẩn về giáo dục - y tế - mua sắm - giải trí... tạo sự tiện nghi cho cư dân sinh sống.
Gamuda Gardens tọa lạc trong lòng quần thể Gamuda City, kề bên công viên Yên Sở. Nơi đây được ví như "khu vườn" của toàn dự án. Chủ đầu tư dành nhiều quỹ đất cho không gian sinh thái, hệ thống cây xanh, đường dạo bộ và chốn vui chơi, thư giãn ngoài trời.
LeParc - trung tâm thương mại và dịch vụ đầu tiên do doanh nghiệp đầu tư phát triển tại Việt Nam - trái tim của Gamuda City được thiết kế với cảnh quan hài hòa xanh tươi. Ngoài các dịch vụ và tiện tích đa dạng, LeParc dễ dàng kết nỗi với các khu vực lân cận của Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc.
"Gamuda Land hướng đến xây dựng một khu đô thị đúng nghĩa, nơi mọi người không chỉ được tận hưởng cuộc sống với những tiện nghi hiện đại mà còn được nuôi dưỡng trong lòng thiên nhiên trong lành", vị đại diện nói.
Sau khi từng bước hiện thực hóa tham vọng kiến tạo một khu đô thị tại Nam Hà Nội, Gamuda "Nam tiến" bằng việc tiếp quản dự án Celadon City (quận Tân Phú, TP HCM) với giá trị 1.400 tỷ đồng kể từ tháng 7/2015. Tại đây, một lần nữa doanh nghiệp tiếp tục kiến tạo một "cộng đồng kết nối bền chặt với thiên nhiên".
Celadon City dành tới 16 hecta trên tổng diện tích 82 hecta để xây dựng khuôn viên với hơn 6.000 cây xanh trưởng thành, 3 hồ điều hòa và gần 140.000 m2 diện tích thảm thực vật, tạo ra sự gần gũi với thiên nhiên ngay chính trong không gian sống. Mật độ dân cư thấp, để đảm bảo sự yên tĩnh, thoải mái cho cư dân.
Celadon City là không gian sống hòa mình vào thiên nhiên với hơn 6.000 cây xanh bao phủ, 3 hồ điều hòa và có gần 140.000m2 diện tích thảm thực vật. |
Tổng hòa tiện tích nội khu dành cho cộng đồng cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các dự án. Celadon City với khu phức hợp thể thao và nghỉ dưỡng Celadon Sports & Resort Club, công viên trung tâm, khu trung tâm mua sắm AEON, giúp cư dân tận hưởng cuộc sống tối đa mà không cần phải đi xa. Nền tảng giáo dục tiên tiến cho cư dân nhỏ tuổi hay dịch vụ y tế dành cho gia đình đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng được nhà đầu tư đặc biệt chú trọng.
Ngoài ra, Celadon City còn đang phát triển một khu dành riêng cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật với các cửa hàng mỹ nghệ, nhà hàng, và các khu vực giải trí khác. Đây là một phần trong kế hoạch quy hoạch tiện ích mà doanh nghiệp đang thực hiện tại Celadon City với kỳ vọng trở thành khu đô thị tiêu biểu cho lối sống hiện đại tại TP HCM.
Hiện nhiều phân khu tại Gamuda City và Celadon City đã bàn giao và hình thành nên một cộng đồng cư dân giàu có. Chủ đầu tư từng bước triển khai các phân khu còn theo kế hoạch.
Theo đại diện Gamuda Land, đô thị xanh tại Việt Nam đang là hướng đi bền vững. Khi khí hậu và môi trường bị ô nhiễm và biến đổi, việc tạo nên những đô thị xanh, bảo tồn các vốn quý của thiên nhiên đồng nghĩa với việc tạo dựng tương lai bền vững cho môi trường sống về sau. Đây trở thành điều tất yếu trong việc phát triển một khu đô thị đích thực.
Anh Dư Văn Quỳnh hiện sống tại khu đô thị Gamuda City chia sẻ: "Rời xa cuộc sống chật hẹp tại khu phố cổ, vợ chồng tôi quyết định dọn về Gamuda City - một khu đô thị xanh, sạch đẹp và đầy đủ tiện ích. Sau mỗi ngày làm việc căng thẳng, chúng tôi lại được hít thở khí trời trong lành hay đón ánh bình minh mỗi sớm mai... Đây đúng là không gian sống mà tôi từng mơ ước".
"Xây dựng nên khu đô thị xanh là định hướng phát triển lâu dài của chúng tôi nên khu đô thị Gamuda City và Celadon City là một ví dụ điển hình và cũng là đô thị kiểu mẫu mà chúng tôi tin tưởng rằng đã, đang và sẽ thành công tại thị trường Việt Nam", đại diện Gamuda Land tại Việt Nam khẳng định.
Thanh Thư