Hiệp định thương mại với EU tác động thế nào tới thị trường bất động sản?
Một báo cáo vừa phát hành của Hãng tư vấn dịch vụ Bất động sản Savills đánh giá, EVFTA là một hiệp định có tính cột mốc, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Các cụm và khu công nghiệp của Việt Nam từ đó đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Với hiệp định mới được ký kết, các nhà đầu tư EU đang bày tỏ sự quan tâm sâu rộng và việc minh bạch hóa môi trường pháp lý và đầu tư sẽ tiếp tục làm tăng danh tiếng của quốc gia Việt Nam.
Tuy vậy, Hoa Kỳ gần đây đã áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm thép của Hàn Quốc và Đài Loan được sản xuất gia công tại Việt Nam. Điều này cho thấy nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng xuất nhập khẩu đang ngày càng được các nước trên thế giới giám sát chặt chẽ 1.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định: “Thêm một tin vui nữa cho thị trường bất động sản Việt Nam. Hiệp định này cho thấy cam kết của chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tại châu Á. Hoạt động thương mại song phương chắc chắn sẽ tăng, kéo theo đó là tăng luồng vốn FDI, tăng số lượng việc làm, và nhiều cơ hội hơn trên tất cả các phân khúc bất động sản".
Ông John Campbell, Trưởng bộ phận bất động sản Công nghiệp xác nhận rằng số lượng yêu cẩu từ khách hàng EU đã tăng lên trong quá trình đợi hiệp định được ký kết.
Ông cũng đưa ra lời khuyên: “Hiệp định thương mại tự do này sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm của thị trường đến bất động sản công nghiệp Việt Nam. Bằng cách tạo điều kiện cho việc ứng dụng những công nghệ sản xuất mới nhất và tăng cường đào tạo nhân lực, chính phủ Việt Nam đang dần xóa bỏ mối e sợ của các doanh nghiệp về tính khả thi, hay tình trạng thiếu nguồn nhân lực và gia tăng chi phí 2".
"Việc nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh sẽ giúp giảm thiểu những lo ngại của nhà đầu tư và nâng tiêu chuẩn chất lượng sản xuất tại Việt Nam", ông nói thêm.
Trong báo cáo nhận định trước đó, Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp có thể hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển nhà máy từ các quốc gia khác sang Việt Nam do các nhà sản xuất muốn được hưởng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, bao gồm EVFTA.
Bất động sản công nghiệp sẵn có vốn được đánh giá là sống lưng cho bất kỳ nền kinh tế sản xuất đang phát triển nào. Tại Việt Nam, bối cảnh này sẽ không có gì khác, và sẽ phụ thuộc rất nhiều về điều kiện thuận lợi của thị trường bất động sản công nghiệp.
CBRE cho rằng, các khu công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển. Tỷ lệ lấp đầy tiêu chuẩn trong khoảng 70-90% sẽ được giữ vững và kết nối cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò quyết định trong sự lựa chọn địa điểm thuê.
Đơn vị nghiên cứu cũng dự báo, nguồn cung tiếp tục ra mới ở cả phía Bắc và phía Nam Việt Nam. Sự đa dạng hóa của các khu công nghiệp mới, các xưởng sản xuất và cơ sở hạ tầng chỉ ra rằng Việt Nam sẽ bước vào một thập kỷ mới trong một vị thế trọng yếu và thể hiện được mình là một quốc gia hưởng lợi chính trong quá trình tái cân bằng chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu và Trung Quốc.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm về tiềm năng của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, bất động sản công nghiệp đang là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019.
"Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có”, ông Nam nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như: Chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi...
Phương Dung