Hình thành vành đai liên kết kinh tế toàn vùng phía Nam

Chấm dứt phát triển không gian kiểu "vết dầu loang"

Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM để báo cáo đề xuất thực hiện Đề án hình thành vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, 4 và các tuyến cao tốc liên vùng.

Theo đánh giá của Sở QH-KT, đây là các trục giao thông huyết mạch, chiến lược, tạo kết nối các đô thị, trung tâm công nghiệp, dịch vụ của vùng Đông Nam bộ , có vai trò thúc đẩy liên kết vùng đa phương thức, đồng thời phát huy vai trò đô thị hạt nhân của TP.HCM trong mối quan hệ với vùng Đông Nam bộ . Việc đầu tư xây dựng các đường Vành đai 3, Vành đai 4 và sắp tới tiếp tục hình thành các tuyến cao tốc sẽ mở rộng không gian phát triển, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy hình thành các vành đai công nghiệp, dịch vụ, logistics quan trọng của vùng. 

Bên cạnh đó, TP.HCM là TP trực thuộc T.Ư, là đô thị đặc biệt với dân số và quy mô kinh tế lớn nhất VN, nằm ở vị trí địa lý chiến lược tại trung tâm vùng Đông Nam bộ với kết nối giao thông đa phương thức phát triển mạnh mẽ. Thực tiễn cho thấy việc khai thác tốt các tiềm năng phát triển của TP, đặc biệt là trong khu vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, logistics có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT-XH vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Do vậy, việc các tuyến đường vành đai, cao tốc liên vùng đang được tăng tốc đẩy nhanh tiến độ đòi hỏi cần có nghiên cứu đánh giá thực trạng, nhận định cơ hội, thách thức... để xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang các tuyến giao thông huyết mạch này. Từ đó có cơ sở đề xuất giải pháp chính sách để thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và bền vững, đồng thời góp phần vào sự phát triển KT-XH của khu vực.

Hình thành vành đai liên kết kinh tế toàn vùng phía Nam - Ảnh 1

Các chuyên gia nhấn mạnh TP.HCM cần mở rộng không gian liên kết để phát huy tối đa lợi thế

SỸ ĐÔNG

Ý tưởng hình thành vành đai công nghiệp, dịch vụ liên kết toàn vùng trước đó đã được nêu trong dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 với "đề bài" được Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề ra là chú trọng nghiên cứu "tính động" và "tính mở" trong liên kết vùng. Ông Phan Văn Mãi cho biết trước đây, định hướng Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 theo Quyết định 24/2010 của Thủ tướng Chính phủ xác định TP.HCM phát triển theo mô hình tập trung đa cực (còn gọi là đại đô thị). Tuy nhiên, thực tế cho thấy mô hình này khó thực hiện. Trước hết là do phân bổ dân số hiện giảm dần ở khu vực trung tâm và tăng nhanh ở các phía. Cùng với đó, TP.HCM chưa hình thành rõ nét các trung tâm lớn, còn đô thị ở khu vực ngoại thành chủ yếu phát triển theo kiểu lan rộng. Ở nhiều khu vực còn phát triển tự phát theo kiểu "vết dầu loang", thiếu kết nối hạ tầng đồng bộ.

Vì thế, TP.HCM nghiên cứu chuyển mình thành mô hình đa trung tâm (đa cực kết hợp với các trung tâm thứ cấp). Các đề án nghiên cứu quy hoạch mới cần hoàn thiện, làm rõ hơn nữa mô hình đô thị đa trung tâm của TP. Từ đó, phía đơn vị tư vấn đã đưa ra một số giải pháp kết nối TP với các đô thị lớn của vùng như xây dựng các trục từ TP.HCM kết nối với các đô thị lớn trong vùng; hình thành các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc theo các đường Vành đai 3, Vành đai 4; xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…

Mở liên kết, đột phá kinh tế toàn vùng

Chuyên gia quy hoạch đô thị, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận trong tương quan liên kết vùng giữa TP.HCM và các địa phương trong khu vực kinh tế trọng điểm phía nam thì sự kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu là quan trọng nhất, cần được ưu tiên. Bởi đây là những địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách cả nước nhưng lâu nay phát triển theo hướng cục bộ, mạnh ai nấy chạy, mối liên kết, kết nối còn khá yếu. 

Cụ thể, giao thông liên kết bao gồm hệ thống đường vành đai, cao tốc hướng tâm, đường sắt, hàng không… vẫn đang xây dựng, mở rộng, chưa hoàn thiện. Đường sắt chạy từ ga Sài Gòn có nối về ga Sóng Thần, Dĩ An phía Đồng Nai và Bình Dương nhưng vẫn chưa nối được về phía Bà Rịa-Vũng Tàu. Đường hàng không cũng yếu vì sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, sân bay Long Thành chưa hình thành. Đường thủy cũng chưa ổn, các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Cát Lái… nằm dọc tuyến sông Sài Gòn và sông Đồng Nai chưa có sự kết nối gắn kết, hợp tác về kho bãi, hạ tầng… Lỏng lẻo trong kết nối khiến sự phát triển kinh tế của cả khu vực chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng.

"Nếu xây dựng được hệ thống hành lang kết nối logistics, dịch vụ, công nghiệp giữa 4 địa phương này thì chắc chắn sẽ tạo được bước đột phá thúc đẩy GRDP của từng địa phương cũng như kinh tế của cả nước lên mức cao hơn. Hiện nay, Vành đai 3, Vành đai 4 cùng hệ thống các tuyến cao tốc phía Đông Nam bộ đang được tập trung thúc đẩy, sớm hình thành, tạo điều kiện rất tốt để siết chặt liên kết, kết nối của vùng trọng điểm này", KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

Hình thành vành đai liên kết kinh tế toàn vùng phía Nam - Ảnh 2

TP.HCM nghiên cứu chuyển mình thành mô hình đa trung tâm

Nguyễn Minh Tú

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cũng khẳng định việc tổ chức không gian phát triển công nghiệp gắn với liên kết vùng sẽ tạo lực đẩy rất tốt cho TP.HCM tái định vị công nghiệp và chiến lược cốt lõi. Theo ông Vũ, được xác định giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp lớn vào ngân sách, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển các ngành khác, nhưng lĩnh vực công nghiệp của TP.HCM đang có dấu hiệu chậm lại, năng lực cạnh tranh giảm, đối mặt nhiều thách thức lớn làm suy yếu vai trò trở thành trung tâm công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành TP công nghiệp theo hướng hiện đại; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp; phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; chuyển dần sang tự túc sản xuất được nguyên liệu, tự thiết kế, sản xuất. Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM trở thành TP có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các TP lớn trong khu vực, vươn tầm châu lục.

"Với mục tiêu như vậy, TP.HCM cần xác định các vùng sản xuất công nghiệp tập trung gắn với mạng lưới các khu, cụm công nghiệp, các khu vực sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Sắp xếp và tổ chức không gian phát triển công nghiệp gắn với liên kết vùng", ông Vũ nhấn mạnh.

Theo đó, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết ngành trên địa bàn TP.HCM và vùng Đông Nam bộ ; một số ngành công nghiệp của TP có thể mở rộng đầu tư vào vùng Đông Nam bộ , vùng ĐBSCL và các địa phương khác. Ngoài ra, TP.HCM là hạt nhân và cực tăng trưởng của vùng động lực phía nam, liên kết với hành lang đô thị - công nghiệp - dịch vụ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Với mục tiêu hướng đến hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, TP cần mở rộng không gian liên kết để phát huy tối đa lợi thế.

TP.HCM phải giữ vai trò hạt nhân, định hướng

Mặc dù xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa của đề án, song Sở QH-KT TP.HCM cho rằng với tính chất và quy mô như vậy, việc nghiên cứu xây dựng vành đai công nghiệp đô thị sẽ bao gồm một phạm vi nghiên cứu rất lớn, trải dài và rộng trên địa bàn tất cả các tỉnh vùng Đông Nam bộ ; đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa UBND các tỉnh thành trong vùng. Sở và các chuyên gia nhận thấy việc nghiên cứu xây dựng đề án với phạm vi toàn vùng như vậy trong thời gian rất ngắn (chỉ khoảng 3 - 4 tháng; đến khoảng tháng 10 - 11 năm nay) là không khả thi; đặc biệt là đối với các nội dung cần phải có ý kiến thảo luận, thống nhất của tất cả chính quyền cấp tỉnh trong vùng. 

Do đó, cơ quan thực hiện quy hoạch đề xuất ở giai đoạn này sẽ xây dựng đề án tập trung cho phạm vi TP.HCM, có nghiên cứu mối liên hệ và kết nối với không gian kinh tế của vùng Đông Nam bộ . Như vậy, các nội dung đề án cần xem xét quyết định cũng thuộc thẩm quyền của TP nên sẽ khả thi trong thời gian hạn chế hiện nay; giới hạn phạm vi trên địa bàn TP.HCM cũng phù hợp với bối cảnh TP đang hoàn chỉnh trình duyệt 2 bản quy hoạch cấp TP.

KTS Ngô Viết Nam Sơn đồng tình là việc thương thảo với các tỉnh thành sẽ mất nhiều thời gian bởi trong liên kết, cần ký các hiệp định đòi hỏi sự bàn bạc, đồng thuận để cân bằng lợi ích tất cả các bên. Song việc định hướng liên kết vùng thế nào, phát triển hệ thống vành đai ra sao thì TP.HCM vẫn phải tiến hành nghiên cứu trên tổng thể toàn vùng rồi chủ động làm phần việc trong phạm vi của mình trước.

"Chúng ta không ngồi chờ, việc gì làm được phải bắt tay vào làm ngay nhưng vẫn cần quy hoạch đặt trong tương quan liên kết giữa các địa phương. Nếu vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ, logistics không đặt trong liên kết vùng thì sẽ trở thành đề án vô nghĩa. Chưa kể, nếu không có cái nhìn tổng thể thì không thể nhận diện những nguy cơ cần dự trù trước, đặc biệt là quỹ đất cho liên kết vùng", ông Ngô Viết Nam Sơn nhận định và nhấn mạnh nếu không có quy hoạch xuyên suốt, nhất là những dự án giao thông bị nhà hai bên ép sát thì tương lai sẽ rất khó phát triển.

Điển hình như trường hợp cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khi thiết kế đầu nút phía TP.HCM thiếu tầm nhìn xa nên đường cao tốc vạch lộ giới xuyên suốt từ Long Thành đến TP.HCM giống nhau, không tính toán xe đang chạy 100 km/giờ trên cao tốc, hạ xuống 40 - 50 km/giờ tại các đoạn nút thì cần mở rộng gấp 1,5 - 2 lần đường để tránh ùn tắc. Kết quả là đường dẫn trở thành nút thắt cổ chai của cao tốc, muốn mở rộng sau cũng khó vì nhà hai bên đã áp sát, giải phóng mặt bằng cực khó khăn. "Không có định hướng cụ thể, có tầm nhìn tương lai thì cái làm trước đôi khi lại cản trở cái làm sau", vị chuyên gia này khuyến cáo.

Vì thế, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh đề án hình thành vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, 4 và các tuyến cao tốc liên vùng của TP.HCM cần đặt trong tổng thể quy hoạch liên kết vùng, phân thành từng giai đoạn thực hiện chi tiết. Trong đó, giai đoạn 1 là nghiên cứu quy mô riêng TP như đề xuất của Sở QH-KT; tới giai đoạn 2 bàn câu chuyện liên kết các địa phương trong vùng thế nào, ký kết ra sao; giai đoạn 3 là xây dựng thế nào, vốn đầu tư từ đâu; giai đoạn 4 là vấn đề quản lý, phân chia rõ ràng phần nào TP.HCM quản lý, phần nào thuộc về các địa phương; giai đoạn 5 là rút kinh nghiệm, phối hợp quy hoạch vùng TP.HCM như thế nào… Cả 5 giai đoạn phải được vạch lộ trình rõ ràng. Đề án nhỏ cũng phải nằm trong tổng thể lớn để thể hiện vai trò hạt nhân, định hướng của TP.HCM.

Một số giải pháp kết nối TP.HCM với các đô thị lớn trong vùng

- Tập trung mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; thu hút đầu tư, phát triển mạnh các khu công nghệ thông tin tập trung; xây dựng, nâng cấp các cơ sở nghệ thuật biểu diễn quốc gia, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế; hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

- Về kết nối giao thông, TP kéo dài trục động lực phía nam song song với QL50 và kết nối với đường ven biển tại Tiền Giang; bổ sung tuyến kết nối với sân bay Long Thành từ trung tâm TP.HCM qua cầu Phú Mỹ 2.

- Bổ sung kết nối về phía đông với Đồng Nai đến QL20 để giảm tải cho QL1 và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây; kết nối đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang) qua cửa sông Soài Rạp đến Cần Giờ và kéo dài đến cao tốc Bến Lức - Long Thành.

- Về đường sắt, kết nối đường sắt TP.HCM - Cần Thơ với TP.HCM - Nha Trang thông qua đoạn tuyến trên cao dọc đường Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội - Vành đai 2. Trong tương lai đoạn tuyến Hòa Hưng - Bình Triệu - An Bình chuyển thành đường sắt đô thị.

(Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060)

Gần 134.000 tỉ đồng đầu tư 4 cảng và 10 khu đô thị dọc Vành đai 4

UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4 - khu số 1, TP.Bến Cát. Theo đó, đến năm 2040, tại khu vực này sẽ có 4 cảng và 10 khu đô thị với tổng vốn đầu tư gần 133.728 tỉ đồng. Khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4 - khu số 1 có diện tích khoảng 2.702 ha, gồm một phần của P.An Tây, P.An Điền và xã Phú An; có ranh giới phía bắc giáp xã Thanh Tuyền, H.Dầu Tiếng; phía nam và phía tây giáp sông Sài Gòn, H.Củ Chi, TP.HCM; phía đông giáp đường ĐH609, ĐT744, ĐT748 và sông Thị Tính, P.Thới Hòa, TP.Bến Cát. Tính chất, chức năng chính của khu vực là khu đô thị cảng - logistics - dịch vụ; đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, cửa ngõ kết nối với TP.HCM qua tuyến giao thông Vành đai 4. Tỉnh Bình Dương cho biết nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị đề xuất từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, xã hội hóa, trái phiếu; nguồn vốn của các nhà đầu tư huy động đầu tư các dự án phát triển đô thị và các nguồn vốn hợp pháp khác.