Hòa Bình tạo đột phá phát triển từ các dự án giao thông nghìn tỷ

Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường liên kết vùng và nội tỉnh đã được khởi công xây dựng. Sự hoàn thiện của hệ thống giao thông là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của toàn tỉnh phát triển.

Hòa Bình là địa phương có nhiều tuyến đường quốc lộ chạy qua như Quốc lộ 6, đường mòn Hồ Chí Minh và Quốc lộ 15, đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu… Những năm gần đây ngoài việc nâng cấp và mở rộng, tỉnh Hòa Bình cũng chú trọng tới việc thực hiện tốt những dự án giao thông có mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Các dự án này góp phần làm thay đổi diện mạo tỉnh nghèo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2024, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối hạ tầng giao thông đường bộ - được coi là yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư tạo môi trường cho phát triển công nghiệp, trong đó đã tập trung ưu tiên những dự án trọng điểm tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn. Mục tiêu hướng tới của tỉnh Hòa Bình là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý, liên hoàn giữa đường bộ và đường thủy nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, liên kết vùng và nội tỉnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII cũng yêu cầu: Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, trọng tâm là thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế kỹ thuật; ngân sách nhà nước tập trung bố trí các công trình chuyển tiếp để hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho một số dự án lớn và làm vốn đối ứng để thu hút các nguồn vốn khác theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tỉnh Hòa Bình phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 huy động được trên 120.000 tỷ đồng cho đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng then chốt nhằm tạo sự phát triển đột phá về kinh tế, du lịch và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng xây dựng nông thôn mới và nông nghiệp công nghệ cao.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng như: Đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ, ĐT 433, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc, đường Hang Kia - Cun Pheo - Quốc lộ 6; đường nối từ Quốc lộ 6 với đường Chi Lăng, cầu Hòa Bình 3, cầu Hòa Bình 2; Dự án Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6…

Đặc biệt là những dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như: Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000-Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng; Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) có tổng mức đầu tư trên 4.100 tỷ đồng; Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (Hà Nội) giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng… Đây là những tuyến đường huyết mạch thúc đẩy liên kết vùng, mở ra cơ hội phát triển lớn cho tỉnh Hòa Bình.

Tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng

Hòa Bình tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng thủ đô, sở hữu những lợi thế đặc thù trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - dịch vụ, công nghiệp, tỉnh đang là tâm điểm của các dự án đầu tư tầm cỡ hướng tới. Thời gian qua, nhiều tập đoàn, kinh tế lớn đã nghiên cứu đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Ông Bùi Văn Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng: Tỉnh đang đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn. Nếu chỉ cần "hấp thụ" trên 4 tỷ USD của các dự án đăng ký đầu tư thì tạo đà phát triển mạnh mẽ. Vấn đề hiện nay cần tiếp tục chỉ đạo sát, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư triển khai dự án theo kế hoạch.

Lần đầu tiên nguồn lực đầu tư kể cả nguồn vốn trong và ngoài ngân sách cho tỉnh Hòa Bình phát triển lớn đến vậy. Ước tính các dự án đăng ký và đang triển khai lên tới hàng tỷ đô, riêng các dự án từ ngân sách nhà nước đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng và đòi hỏi phải giải ngân theo kế hoạch. Hấp thụ nguồn vốn ngoài ngân sách, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ngân sách là yêu cầu bắt buộc để tỉnh phát triển.

Trong năm 2024, UBND tỉnh Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo theo hướng chịu trách nhiệm của các lãnh đạo cao cấp nhất tỉnh đã lan tỏa, tạo sự chuyển trong bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị các cấp trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị, địa phương.

Theo ông Bùi Ngọc Tâm - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình, Ban được giao làm chủ đầu tư 3/14 dự án trọng điểm của tỉnh gồm: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu và dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (Hà Nội) với số vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ. Quá trình thực hiện đòi hỏi sự phối hợp giữa chủ đầu tư, các sở, ngành các địa phương và các bộ ngành liên quan. Khó khăn nhất trong triển khai là giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất rừng đất lúa, vấn đề đất đắp cho các công trình. Công việc nhiều, khối lượng lớn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các sở, ngành chức năng, các đơn vị liên quan. Áp lực rất lớn đòi hỏi phải triển khai công trình đáp ứng yêu cầu, quy định của pháp luật. Lần đầu Ban quản lý được giao làm chủ đầu tư những dự án lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng đòi hỏi phải nỗ lực rất cao triển khai các dự án đảm bảo kế hoạch và yêu cầu pháp luật quy định.