Hoàn thành đề án khu thương mại tự do Đà Nẵng vào tháng 12
Đà Nẵng – Nơi khởi đầu của khu thương mại tự do đầu tiên tại Việt Nam
Theo Quyết định số 1088/QĐ-TTg về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng , trong tháng 12-2024, UBND thành phố Đà Nẵng hoàn thành việc xây dựng Đề án, hồ sơ thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập. Quý IV năm 2024 - quý I năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Quyết định cũng nêu rõ, UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng hồ sơ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung chức năng quản lý Khu thương mại tự do Đà Nẵng cho Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, gửi Bộ Nội vụ thẩm định. Trong quý IV năm 2024, Bộ Nội vụ phải hoàn thành việc thẩm định này.
Bộ Tài chính chủ trì ban hành văn bản Quy định thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đồng thời, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn về áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Bộ Công Thương nghiên cứu ủy quyền cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thực hiện cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa sản xuất tại các Khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Khu thương mại tự do là một mô hình kinh tế không còn xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng lại mới mẻ tại Việt Nam, mang đến nhiều kỳ vọng về sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Đà Nẵng với vị trí địa lý đắc địa và hệ sinh thái kinh tế tiềm năng, không chỉ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, mà còn đưa Việt Nam tiến gần hơn đến tầm nhìn trở thành trung tâm kinh tế toàn cầu.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng có các khu chức năng được quy định tại quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. Cũng theo Nghị quyết 136 đã quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu.
Sự ra đời của khu thương mại tự do tại Đà Nẵng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành một trung tâm kinh tế khu vực và thế giới. Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những ưu đãi về thuế và thủ tục hải quan, cùng với môi trường kinh doanh cởi mở, sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động đầu tư và sản xuất. Điều này không chỉ góp phần tạo ra công ăn việc làm mà còn tăng cường phát triển kinh tế của Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung Việt Nam.
Khi FTZ đi vào hoạt động, Đà Nẵng sẽ trở thành một điểm trung chuyển quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng xuất nhập khẩu hàng hóa mà không phải chịu các chi phí thuế cao hoặc thủ tục phức tạp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Việc thành lập FTZ tại Đà Nẵng cũng đòi hỏi một sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, từ cảng biển, sân bay cho đến các dịch vụ hỗ trợ thương mại và logistics. Điều này sẽ không chỉ cải thiện chất lượng dịch vụ và kết nối giao thông mà còn giúp Đà Nẵng trở thành một thành phố phát triển toàn diện, phục vụ cho các nhu cầu kinh tế, du lịch và văn hóa.
Khu thương mại tự do tại Vịnh Đà Nẵng không chỉ là một bước tiến lớn của thành phố này mà còn của cả Việt Nam. Đây là mô hình kinh tế có tiềm năng đem lại những thay đổi lớn lao, giúp Việt Nam phát triển vượt bậc trên trường quốc tế. Với sự đầu tư bài bản, FTZ tại Đà Nẵng hứa hẹn sẽ trở thành một điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam, đưa đất nước tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành cái tên tiêu biểu trên bản đồ thương mại toàn cầu
Các khu thương mại tự do trên thế giới phát triển như thế nào?
Việc triển khai các khu thương mại tự do không phải là mới trên thế giới, và nhiều quốc gia đã chứng minh được hiệu quả của mô hình này trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc là một trong những quốc gia điển hình trong việc áp dụng mô hình FTZ. Kể từ khi thành lập khu thí điểm thương mại tự do Tân Cương gần đây, Trung Quốc đã có tổng cộng 21 khu thương mại tự do . Mặc dù chiếm chưa đến 0,4% diện tích đất của cả nước, những khu FTZ này đóng góp tới 18,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 17,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2022. Sự thành công này không chỉ nằm ở việc thu hút nguồn vốn và nhân lực quốc tế mà còn ở việc cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư và nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Tương tự như Trung Quốc, các quốc gia khu vực Đông Nam Á cũng đã thiết lập các FTZ từ rất sớm và đạt được những thành công đáng kể. Indonesia có các khu thương mại tự do nổi tiếng như Batam và Bintang, trong khi Philippines đã phát triển FTZ tại Clark và Subic. Malaysia có hai khu vực FTZ quan trọng tại Port Klang và Tanjung Pelepas. Đặc biệt, Singapore , dù là một quốc gia nhỏ về diện tích, đã thành lập FTZ chỉ sau một năm tách khỏi Malaysia vào năm 1966. Đến nay, Singapore có tổng cộng 9 khu FTZ trải dài từ sân bay Changi đến các bến cảng ở bờ biển phía nam. Những khu vực này không chỉ đóng góp lớn vào kinh tế Singapore mà còn giúp quốc gia này duy trì vị thế là trung tâm thương mại và vận tải hàng đầu thế giới.
Sự phát triển của các FTZ ở những quốc gia này chính là minh chứng rõ ràng cho việc mô hình khu thương mại tự do có thể mang lại hiệu quả vượt trội về mặt kinh tế, tăng cường đầu tư và xuất nhập khẩu.