Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xóa nhà tạm, nhà dột nát diễn ra ngày 6/1/2025

Chương trình đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và số kinh phí đã huy động được tại Chương trình là trên 5.000 tỷ đồng.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xóa nhà tạm, nhà dột nát diễn ra ngày 6/1/2025 - Ảnh 1

Ông Phạm Hồng Đào

Để giúp đồng bào có nhà ở, ổn định cuộc sống, việc chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 còn nhiều việc phải làm.

Ông Phạm Hồng Đào, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: "Niềm vui của những người được hỗ trợ xóa nhà tạm nhà dột nát cũng là nguồn động viên rất lớn cho những người làm chính sách như chúng tôi. Nhưng bên cạnh đó cũng là một thách thức, một sức ép rất lớn... Trước tiên, khó nhất là chúng ta phải có một cơ chế chính sách đặc thù nào đó để triển khai. Thứ hai, chúng ta phải xác định đúng đối tượng đảm bảo là người nào cần và đúng là người đấy sẽ được hưởng, không thể để người không được hưởng mà lại được thụ hưởng. Thứ ba là ...phải đảm bảo công khai, minh bạch...Chúng ta phải đẩy mạnh hơn để tất cả mọi người đều biết có chính sách để tạo sự lan tỏa, để chúng ta có thể đạt được mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”".

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xóa nhà tạm, nhà dột nát diễn ra ngày 6/1/2025 - Ảnh 2

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, dự kiến, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xóa nhà tạm, nhà dột nát, dự kiến diễn ra vào ngày 6/1/2025

Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xóa nhà tàm, nhà dột nát, dự kiến diễn ra vào ngày 6/1/2025. Bộ Trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: "Về hội nghị xóa nhà tạm, nhà dột nát dự kiến diễn ra vào ngày 6/1/2025. Chuẩn bị tốt nhất hội nghị trực tuyến toàn quốc từ Trung ương đến cấp xã và chúng ta phấn đấu bằng được mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ xóa toàn bộ khoảng 450 nghìn căn nhà (nhà dột nát, nhà không đảm bảo tiêu chuẩn), kể cả 3 chương trình. Thứ nhất là nhà ở theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thứ 2 là nhà ở cho người có công. Thứ 3 là 153 nghìn căn nhà hiện nay chưa được vào danh mục. Phấn đấu như vậy và nếu thành công chúng ta sẽ vượt mục tiêu 5 năm và sẽ đạt mục tiêu 1 trong 5 đột phá mà Nghị quyết 42 chúng ta đã đề ra".