Hơn 72% doanh nghiệp ĐBSCL chịu tác động của biến đổi khí hậu
Ngày 31.7, tại TP.Cao Lãnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ) phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo cấp khu vực ĐBSCL về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanhvà phát triển bền vững. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo nhiều tỉnh, thành; Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp tiêu biểu khu vực ĐBSCL.
Lợi thế của ĐBSCL đang giảm
Theo VCCI , ĐBSCL là vùng có đất đai màu mỡ, hệ thống kênh rạch, sông ngòi phong phú ít bị ảnh hưởng bởi bão, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều từ triều cường, đất nhiễm mặn và hạn hán. Ngoài ra, khu vực này đang đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Kết quả PCI năm 2023, ĐBSCL có 8 tỉnh, thành nằm trong top 30 tỉnh, thành cả nước có chất lượng điều hành tốt nhất và là khu vực có điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao thứ 3 cả nước. Tuy nhiên, gần đây, các doanh nghiệp đánh giá về thiết chế pháp lý, sự năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền, cũng như gia nhập thị trường, cải cách hành chính, tiếp cận đất đai; gánh nặng chi phí không chính thức có dấu hiệu giảm dần. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh các chương trình, dịch vụ hỗ trợ, nâng cao chất lượng lao động.
Về kết quả chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), ĐBSCL có 9 tỉnh, thành phố nằm trong top 30 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Do đó, ĐBSCL cần thực thi tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường; xây dựng những sáng kiến, giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai; hoạch định các chương trình định hướng phát triển, nghiên cứu sản xuất công nghệ phù hợp với doanh nghiệp trong khu vực; chú trọng thu hút các dự án đầu tư kinh doanh có trách nhiệm; triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xanh hóa hoạt động sản xuất kinh doanh…
Doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho biết ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng lớn trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Hiện, khu vực này đang đứng trước nhiều thách thức lớn về kinh tế - xã hội - môi trường. Khảo sát do VCCI triển khai trong năm 2023 cho thấy, có tới 72,4% doanh nghiệp ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, cao nhất trong các khu vực trên cả nước.
Tuy nhiên, ĐBSCL cũng đứng trước những cơ hội phát triển mới. Cụ thể là Nghị quyết 120/NQ - CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành, với quan điểm phát triển "thuận thiên", "chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu".
"Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng. Một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng", ông Hoàng Quang Phòng nói.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết với chủ trương thực hiện kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy tăng trưởng xanh, Đồng Tháp đang tập trung chuyển đổi sản xuấtđối với ngành hàng chủ lực của tỉnh như lúa gạo, cá tra, sen, xoài và hoa kiểng nhằm kéo dài chuỗi sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo sinh kế lâu dài cho người dân nông thôn. Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị môi trường, thúc đẩy thực hành xanh, cải thiện PGInhằm đáp ứng yêu cầuphát triển an toàn, bền vững trong sản xuất và tiêu dùng trước biến đổi khí hậu toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do sản xuất, chế biến và tiêu dùng ngày càng nghiêm trọng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn thảo về môi trường kinh doanh khu vực ĐBSCL; xây dựng khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái để nắm bắt cơ hội thu hút các nhà đầu tư tiềm năng cùng với các dự án công nghệ cao và góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn tới. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong cải thiện môi trường kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL và thực tiễn từ các khu vực khác trên cả nước...