HoREA đề xuất loạt giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có ý kiến đề xuất một số giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội và ưu đãi tín dụng cho chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo HoREA, nhằm "Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", đơn vị có một số đề xuất một số ý kiến như sau:

Hiện nay, các quy định về tạo quỹ đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 đã bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, tất cả dự án nhà ở xã hội trong cả nước mà nhà đầu tư đã thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất và đang có quyền sử dụng đất đều bị ách tắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư do vướng quy định tại điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Do vậy, Hiệp hội rất hoan nghênh Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP để tháo gỡ vướng mắc về chấp thuận chủ trương đầu tư với đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư nhằm sớm đưa quỹ đất của các doanh nghiệp vào thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

HoREA vừa đề xuất loạt giải pháp nhằm tăng nguồn cung, hỗ trợ vốn tín dụng cho chủ đầu tư nhà ở xã hội. Ảnh: Gia Linh

Ngoài ra, Hiệp hội cũng hoan nghênh cơ chế thực hiện quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân được miễn tiền sử dụng đất của Luật Nhà ở. Theo đó, Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở 2023 tiếp tục quy định chính sách miễn tiền sử dụng đất đối với tất cả dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng mọi nguồn vốn.

Trong đó, có quy định mới về cơ chế thực thi chính sách miễn tiền sử dụng đất rất hợp tình hợp lý tại điểm a khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 quy định chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. 

Các Nghị định số 100/2024/NĐ-CP và Nghị định số 103/2024/NĐ-CP đều quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nên đơn giản, dễ thực hiện và khắc phục được bất hợp lý của Luật Nhà ở 2014.

Do vậy kể từ ngày 1/8/2024 trở đi, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không phải làm thủ tục thừa là trước hết phải định giá đất, tính tiền sử dụng đất của dự án nhà ở xã hội rồi sau đó lại ban hành quyết định miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án cũng không phải làm đơn xin miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất như quy định trước đây của Luật Nhà ở 2014.

Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, như sau: Đối với quy hoạch đô thị, nội dung thẩm định phải có đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch phân khu. Trường hợp dự án được đề xuất tại khu vực không phải lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch phân khu phải điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị hoặc cần phải điều chỉnh cục bộ theo đề xuất dự án của nhà đầu tư mà chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chung.

Quy hoạch phân khu phải được phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh hoặc phê duyệt điều chỉnh cục bộ theo quy định của pháp luật trước khi nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Ngoài ra, trước vấn đề ưu đãi về tín dụng đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, HoREA cũng đề xuất loạt giải pháp để hỗ trợ các nhà đầu tư.

Cụ thể, Hiệp hội đề nghị xem xét cho phép tiếp tục thực hiện quy định mức lãi suất cho vay 4,8%/năm theo Quyết định số 486/QĐ-TTg ngày 10/05/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tốt nhất là nên xem xét áp dụng mức lãi suất cho vay 3%/năm đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ mức 6,6%/năm xuống 3-4,8%/năm tương tự như chương trình "cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở" với lãi suất cho vay 3%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị xem xét xây dựng một "chương" riêng về huy động tiền gửi tiết kiệm nhà ở xã hội bổ sung vào Nghị định 100/2024/NĐ-CP. Bởi lẽ, nội dung chính sách huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội không thể giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội tự quy định và cũng không thể chỉ quy định vỏn vẹn tại khoản 4 Điều 46 Nghị định 100/2024/NĐ-CP như hiện nay. 

Ngoài ra, Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng rất cần thiết bổ sung vào Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định công nhận nhà trọ cho thuê dài hạn là một hình thức nhà ở xã hội để các chủ nhà trọ cũng được đối xử tương tự như chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để các chủ nhà trọ được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng, về thuế.